Cao tốc 34.000 tỷ vừa thông xe đã hỏng: Phải có người chịu trách nhiệm
“Có vấn đề” là nghi vấn mà Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đặt ra khi đi kiểm tra thực tế những hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
- Tạm dừng thu phí cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi từ hôm nay, 12/10
- Phát lệnh thông xe tuyến cao tốc huyết mạch miền Trung
Với tổng vốn đầu tư lên đến 34.500 tỷ đồng (tương đương 1,65 tỷ USD), mới thông xe ngày 2/9/2018 nhưng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã xuất hiện ổ gà, ổ trâu, gây mất an toàn cho các phương tiện giao thông.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo dừng thu phí trên cao tốc này từ 0 giờ ngày 12/10 để các chủ đầu tư tiến hành sửa chữa.
Với mức đầu tư "khủng", giá thành xây lắp tuyến đường cũng vào dụng "khủng", thì tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không thể không có "vấn đề" được, mà phải nói là có rất nhiều "vấn đề" phải được xử lý.
Chiều 13/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã kiểm tra thực tế cao tốc để có những đánh giá xác thực.
Sau buổi thị sát, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, nguyên nhân hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là do chất lượng thi công, bê tông nhựa không đảm bảo gặp trời mưa nên tạo ra ổ gà, ổ trâu.
“Qua phân tích ban đầu, nguyên nhân này có liên quan chất lượng công trình, yếu tố thi công chưa đảm bảo tại vị trí hư hỏng nhưng là vấn đề chất lượng cục bộ, không phải trên diện rộng toàn tuyến”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Bị tố dùng bùn để đắp nền đường
Không chỉ đoạn tuyến JICA (từ Km0+000 – Km65+000) vừa bị hỏng có vấn đề về chất lượng mà tại gói thầu A3 do nhà thầu Giang Tô, Trung Quốc trúng thầu cũng bị người dân tố dùng bùn nạo vét đắp nền đường.
Trong cuộc họp nóng ngày 13/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết khi dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đưa ra đấu thầu quốc tế, nhà thầu Giang Tô bỏ thầu rất thấp và đã trúng thầu.
“Trong quá trình thi công, họ có sử dụng một số thầu phụ ở Việt Nam tham gia cung cấp vật liệu, các dịch vụ khác. Quá trình đó thuộc phạm vi các nhà thầu, mang tính chất hợp đồng kinh tế. Còn sản phẩm khi đưa ra thì phải theo quy trình quản lý về chất lượng”, Thứ trưởng Thọ nói.
Thứ trưởng cũng khẳng định không bao giờ có chuyện đem bùn nạo vét lên đắp nền đường cao tốc. Tuy nhiên, ở góc độ kỹ thuật, ông Thọ cho hay trong các giải pháp kỹ thuật, dùng bùn đắp tạo nên sự phản áp thì vẫn có.
"Tức là bùn ở dưới nước vớt lên, khi khô ráo mà thành phần hạt tốt, chỉ tiêu cơ lý đạt…sử dụng được thì người ta vẫn sử dụng. Sau đó sẽ đầm lèn và đạt được độ chặt K95 thì vẫn sử dụng được. Vật liệu sau đầm lèn không đạt K95 phải bóc đổ đi. Quy trình là như vậy, còn lại là do giám sát ở hiện trường”, Thứ trưởng Thọ lý giải.
Một vấn đề khác tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đó là trữ lượng đá khan hiếm, vì thế có phản ánh nhà thầu đã lấy đá kém chất lượng để thi công.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Thọ cho hay vật liệu khi đưa vào thi công phải theo quy chuẩn, có tiêu chuẩn đàng hoàng. Khi đưa ra công trình thì có hai hình thức. Có thể nghiệm thu ở công trình để đưa vào hoặc một số sản phẩm có thể nghiệm thu ngay ở nơi sản xuất.
“Công trình đó xảy ra hư hỏng, sạt lở, tìm hiểu nguyên nhân thì quy trình rất rõ. Từ vấn đề thiết kế, giám sát, chủ đầu tư đều quy định rõ trách nhiệm trong quá trình đó” - Thứ trưởng Thọ nói.
Nhà thầu chính gói thầu A5 bán thầu 100%
Liên quan cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi tan nát sau vài cơn mưa, nhiều người ngạc nhiên không hiểu vì sao con đường do nhà thầu Hàn Quốc trúng thầu, tổng mức đầu tư lên đến gần 34.500 tỷ mà chất lượng lại kém đến vậy. Công trình này được làm với giá rất cao, lại do nước ngoài thi công thì làm sao có thể gian dối?
Sự thật, sau khi trúng thầu, Nhà thầu Hàn Quốc không trực tiếp thi công mà hầu như bán thầu toàn bộ khi chưa được phê chuẩn của Chủ đầu tư và Bộ GTVT đã phát hiện việc này từ lâu nhưng không xử lý triệt để.
Biên bản thanh tra xác định việc bán thầu 100%.
Ngày 11/5/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT có Quyết định số 1434/QĐBGVT về việc thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm Chủ đầu tư, Đoàn thanh tra đã làm việc với Công ty Posco Engineering & Construction Co. ,Ltd thực hiện gói thầu số A5 thuộc nguồn vốn WB.
Đến ngày 12/4/2017 tại Văn phòng Bộ GTVT, Đoàn thanh tra do Phó Chánh Thanh tra Lê Văn Doãn làm Trưởng đoàn lập biên bản thanh tra như sau: Công ty Posco Engineering & Construction Co.,Ltd có quyết định cấp Giấy phép thầu cho nhà thầu nước ngoài do Bộ xây dựng cấp theo quyết định số 91/QĐ-BXD ngày 19/8/2014 trong đó cho phép Công ty Posco E&C được nhận thầu chính thực hiện Dự án đường Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi gói thầu xây lắp A5.
Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng với Chủ đầu tư, công ty này không hề làm gì mà ký hợp đồng thuê thầu phụ thi công 100% toàn bộ các hạng mục công việc. Cụ thể, Posco E&C thuê Công ty Á Đông, CTCP đầu tư xây dựng hạ tầng INCICO; CTCP xây dựng cầu 75-Cienco8, Công ty xây dựng nền móng Sông Đà Thăng Long Miền Nam, CTCP cơ giới và xây lắp số 9 (Licogi 9), CTCP đầu tư xây dựng B.M.T; CTCP sở hữu Thiên Tân (Evemew)….
Biên bản thanh tra dài 13 trang với rất nhiều sai phạm đã được thực hiện, có đầy đủ chữ ký của ông Phó Chánh thanh tra Lê Văn Doãn, Giám đốc điều hành gói thầu Nguyễn Khắc Sơn và Giám đốc Dự án Kim Dae Hyeon (dù Công ty Posco E&C bán sạch gói thầu).
Thế nhưng, sau biên bản này thì công trình 35.000 tỷ vẫn bị “bán” và hiện nay đã xuất hiện những hậu quả.
Đến nay, sau nhiều báo cáo của Ban QLDA, của Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), các Cục quản lý đường bộ, nhà thầu, đơn vị thi công, tư vấn giám sát...vẫn chưa ai nhận trách nhiệm.
Một công trình giao thông lớn, có giá lên đến hơn 34.000 tỷ đồng, tương đương 1,65 tỷ USD chúng ta phải đi vay để về phát triển hạ tầng giao thông chứ không phải giấy lộn mà có thể phung phí, gây thất thoát rồi ung dung vô can, nói những lời xằng bậy là điều không thể chấp nhận được./.
* Tại cuộc họp trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông sáng 11/10, báo cáo về việc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng, ông Lê Văn Sinh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cho biết, nguyên nhân do thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra nhiều cơn mưa. Sau khi thông tuyến, nhiều xe tải trọng nặng chạy trên cao tốc gây ra tình trạng hư hỏng mặt đường như báo chí phản ánh.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bác bỏ và chỉ rõ, khi thiết kế dự án, xây dựng cao tốc, phải tính toán, tổng hợp đầy đủ các yếu tố tác động đến như thời tiết, lưu lượng xe, tải trọng lên mặt đường, kể cả động đất.
“Làm sao mới thông xe đường đã xảy ra như vậy. Nếu nói là do mưa đầu mùa không thể chấp nhận”, Phó Thủ tướng nói đồng thời yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của nhà thầu trong việc thi công này; có biện pháp quyết liệt xử lý trách nhiệm.
Tuyến chính cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc loại A, quy mô 4 làn xe và 1 làn dừng xe khẩn cấp, tốc độ thiết kế 120km/giờ với đầy đủ hệ thống biển báo.
Điểm đầu của tuyến là thuộc thôn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) điểm cuối thuộc xã Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi).
Toàn tuyến có 8 nút giao gồm: Túy Loan (Đà Nẵng); Phong Thử, Hà Lam, Tam Kỳ, Chu Lai (tỉnh Quảng Nam); Dung Quất, Bắc Quảng Ngãi và Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).
Được biết, mức phí tối thiểu là 1.500 đồng/km. Nếu đi hết toàn tuyến thì mức phí dịch vụ thấp nhất là 180.000 đồng đối với xe dưới 12 chỗ ngồi và cao nhất là 790.000 đồng đối với xe container 40 feet. Thời gian thu phí 24 năm với điều kiện đảm bảo 28.000 lượt phương tiện/ngày.
Nguyễn Hoàng/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận