Cấm biển, cấm cầu, dừng sản xuất, cho trẻ nghỉ học, khẩn trương sơ tán dân
Khẩn cấp ứng phó Bão số 6 (bão Mangkhut), nhiều địa phương, doanh nghiệp đã ra lệnh cấm biển, cho học sinh nghỉ học, dừng sản xuất tại khu vực nguy hiểm, dừng hoạt động giao thông tại các cầu tĩnh không lớn khi bão đổ bộ, khẩn trương di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm về nơi an toàn.
- Hai kịch bản đổ bộ của Siêu bão Mangkhut
- Philippines: Ít nhất 59 người thiệt mạng do bão Mangkhut
- Phó Thủ tướng: Tuyệt đối không chủ quan khi ứng phó với Bão số 6
Học sinh Quảng Ninh nghỉ học trong ngày 17/9
Sở GD&ĐT Quảng Ninh vừa ban hành Văn bản số 2411/SGDĐT-VP yêu cầu các phòng GD&ĐT, đơn vị trực thuộc Sở cho học sinh, trẻ mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trên toàn tỉnh nghỉ học trong ngày 17/9, để tránh bão Mangkhut.
Theo đó, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh thường xuyên theo dõi diễn biến của siêu bão Mangkhut qua các phương tiện thông tin đại chúng. Toàn ngành phải hoãn thực hiện các hoạt động theo kế hoạch như tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo… trừ cuộc họp phòng, chống bão.
Các ngày tiếp theo, trưởng phòng GD&ĐT, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Sở chủ động xem xét giải quyết cho học sinh nghỉ học, hoãn các hoạt động hội họp khi trên địa bàn có mưa to, gió lớn hoặc cán bộ, giáo viên, học sinh phải đi qua vùng đang hoặc có nguy cơ lũ quét, ngập lụt, sạt lở, trơn trượt nguy hiểm.
Trường hợp học sinh không nhận được thông báo nghỉ học mà vẫn đến trường hoặc khi hết giờ học có gió mạnh, mưa lớn, ngập lụt …, thủ trưởng cơ sở giáo dục phải có phương án quản lý học sinh tại trường, chỉ cho học sinh về nhà khi đảm bảo các điều kiện an toàn, đồng thời bố trí cán bộ, giáo viên phối hợp với cha mẹ học sinh hỗ trợ học sinh trên đường về nhà.
Các cơ sở giáo dục khẩn trương thực hiện ngay các phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất của đơn vị; ở những nơi có nguy cơ ngập lụt cần di dời máy móc, trang thiết bị dạy học, sách vở, tài liệu lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt.
Cấm tàu từ 10h ngày 17/9
Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN, PCCC tỉnh Quảng Ninh có Công văn số 39/BCĐ ngày 15/9/2018 về việc thông báo tạm ngừng cấp phép tàu.
Để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và khách du lịch, Thường trực Phòng chống thiên tai tỉnh đề nghị Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ đường thủy nội địa, UBND các địa phương tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi (có thể xem xét, cho phép các tàu được chạy từ các tuyến đảo về đất liền tránh trú và kết thúc công việc này trước 18 giờ ngày 16/9; tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển.
Thời gian tạm ngừng: Bắt đầu từ 10 giờ, ngày 16/9/2018.
Dừng sản xuất tại những khu vực thiếu an toàn
Nhằm chủ động ứng phó với bão Mangkhut, Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN TKV đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Khẩn trương tiến hành kiểm đếm tàu thuyền để kịp thời thông báo và yêu cầu di chuyển ra khỏi vùng có bão, neo đậu chắc chắn tại nơi tránh trú bão đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ. Kiểm tra, củng cố các tầng bãi thải, khai trường, đê đập chắn đất đá, hệ thống thoát nước đảm bảo thoát nước, ngăn ngừa nguy cơ sạt lở; bố trí thiết bị, nhân lực tại các vị trí xung yếu để kịp thời ứng cứu khi có nguy cơ sạt lở bãi thải, bờ mỏ.
Đối với khu vực khai thác hầm lò phải san lấp các khu vực tụ thuỷ, sụt lún, khe nứt ngăn ngừa nguy cơ bục nước. Kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng phát điện khi mất điện lưới. Lưu ý một số khu vực trọng yếu tại các công ty: Than Mông Dương, Quang Hanh, Hòn Gai...
Kiểm tra, gia cố đập hồ chứa, củng cố hệ thống thoát nước để hạn chế tối đa nước mặt chảy vào hồ. Xây dựng phương án, bố trí thiết bị, vật liệu, nhân lực sẵn sàng ứng cứu trước mọi tình huống xấu có thể xảy ra.
Tăng cường phủ bạt, củng cố hệ thống thoát nước, kè đê bao bảo vệ các kho than và khoáng sản; khơi thông hệ thống thoát nước, giằng néo, gia cố đảm bảo an toàn các kho tàng, nhà xưởng, công trình xây dựng và các công trình sản xuất khác.
Đối với các công ty kho vận, tăng cường kéo than mỏ về dự trữ tại kho cảng để sẵn sàng phục vụ cho tiêu thụ. Các nhà máy điện kiểm tra, bổ sung lượng than dự trữ đảm bảo đủ sử dụng trong khi có mưa bão.
Song song đó, chuẩn bị sẵn sàng phương án, phối hợp với chính quyền địa phương di dời các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ ngập lụt, nguy hiểm đến vị trí an toàn trước khi bão đổ bộ.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN TKV còn yêu cầu các đơn vị dừng sản xuất tại những khu vực không đảm bảo an toàn, tổ chức trực ban tại chỗ 24/24h (kể từ 18h ngày 16/9/2018); thường xuyên kiểm tra nắm sát thực tế tại đơn vị để chủ động xử lý. Giữ liên lạc thông suốt, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định, thông tin kịp thời về Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN TKV.
Khẩn trương sơ tán, di dời người dân vào nơi an toàn
Để chủ động ứng phó với bão số 6, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung triển khai phòng, chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện cấm biển từ 5 giờ ngày 16/9, khẩn trương kêu gọi tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 6 có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Nam Định trong các ngày 17 - 18/9. Do đó, các địa phương, nhất là các huyện ven biển khẩn trương sơ tán, di dời người dân tại các chòi canh ngao, lồng bè nuôi thủy sản, bãi tắm ven biển vào nơi an toàn trước 17 giờ ngày 16/9.
Các huyện, thành phố tổ chức lực lượng chặt tỉa cành cây, tháo dỡ các biển hiệu quảng cáo; chằng chống nhà cửa, kho tàng, xây dựng phương án bảo đảm an toàn tại các bệnh viện, trường học, công sở. Đặc biệt, xác định các khu vực trọng điểm phòng, chống lụt bão để sẵn sàng ứng cứu; xây dựng phương án và chuẩn bị điều kiện cần thiết để sơ tán dân khi có yêu cầu.
Các địa phương thực hiện nghiêm túc việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê sông, đê biển, lưu ý các vị trí đê, kè xung yếu, đang thi công sửa chữa; chủ động các biện pháp phòng, chống úng ngập bảo vệ diện tích lúa mùa và vùng nuôi trồng thủy hải sản...
Tạm dừng hoạt động giao thông trên cầu Tân Vũ Lạch Huyện khi bão đổ bộ
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Công điện số 13/CĐ-CT ngày 15/9/2018 về việc phòng chống bão số 6 (Mangkhut).
Để chủ động đối phó với bão, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, quận và Thủ trưởng các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bão.
Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, thông báo diễn biến của siêu bão Mangkhut để các cơ quan, doanh nghiệp, nhân dân khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản.
Tổ chức rà soát, theo dõi, kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn; quản lý chặt chẽ, không cho ra khơi đối với số tàu thuyền đã vào trú tránh trong bão số 6; gia cố, neo giữ lồng bè nuôi trồng thủy sản; kiên quyết không để người trên các tàu thuyền, lồng bè trước khi bão đổ bộ, đặc biệt là khách du lịch trên biển và trên các đảo; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển, tạm dừng hoạt động giao thông trên cầu Tân Vũ Lạch Huyện và các cầu có tĩnh không lớn qua sông trong thời gian bão đổ bộ.
Chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện phương án sơ tán, di dời dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, các khu vực chung cư cũ đã xuống cấp, vùng có nguy cơ ngập úng cao, khu vực có nguy cơ sạt lở.
Tổ chức kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, an toàn phòng chống lụt bão tại công trình đang thi công (đặc biệt là các công trình lớn như Cảng Lạch Huyện, cầu Hoàng Văn Thụ, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast), bãi thải gyps của Nhà máy DAP Đình Vũ, Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, đường bao Đông Nam quận Hải An, cầu tàu, bến cảng, các khu công nghiệp ven biển, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc, khu vực khai thác khoáng sản, khu nuôi trồng thủy sản, trang trại, gia trại nông nghiệp, tổ chức cắt tỉa cảnh cây tại các khu đô thị.
Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, tập trung thu hoạch các diện tích hoa màu và hải sản với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; chủ động tiêu nước phòng, chống úng ngập đối với diện tích lúa đang thời kỳ làm đòng; khơi thông hệ thống thu, thoát nước khu vực nội thành.
Thực hiện chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố trực tiếp xuống cơ sở phối hợp với các địa phương kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống bão theo nhiệm vụ được phân công.
* Theo Báo cáo số 334/BC-CQTT của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 6h00 ngày 16/9 Bộ đội Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho: 32.101 phương tiện/109.709 người và 11.951 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản biến diễn biến, hướng di huyển của bão để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm ./.
( Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận