Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020
Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan và công bằng.
Theo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm nay, kỳ thi tổ chức 5 bài thi, gồm 3 môn thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (KHTN) gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (KHXH) gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
5 bài thi này dành cho các thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT. Các môn thi thành phần Lịch sử, Đại lý dành cho thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT.
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (bài thi trắc nghiệm). Trong đó, Ngoại ngữ thi 60 phút; mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp KHTN và KHXH thi 50 phút.
Quy chế thi áp dụng đối với các trường THPT, trung tâm GDTX, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc chương trình GDTX cấp THPT; các Sở GD-ĐT, Sở giáo dục, khoa học và công nghệ, các Sở giáo dục đại học và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình GDTX cấp THPT; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
Đối tượng, điều kiện dự thi: Là những người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi; người đã học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp ở những năm trước. Người đã có Bằng tốt nghiệp THPT, người đã có Bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh. Một số trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định.
Các đối tượng nêu trên phải đảm bảo được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém. Riêng đối với người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thuộc chương trình GDTX không yêu cầu xếp loại hạnh kiểm...
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh GDTX phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn; có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.
Công tác chuẩn bị tổ chức thi: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT làm trưởng ban, để chỉ đạo và tổ chức triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi trên toàn quốc. Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo cấp quốc gia gồm công chức, viên chức các đơn vị liên quan thuộc Bộ GD-ĐT và Bộ Công an. Tùy theo mức độ vi phạm Quy chế thi được phát hiện, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia sẽ quyết định hình thức xử lý phù hợp (trong trường hợp đặc biệt, trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định): Đình chỉ tạm thời hoạt động thi hoặc tổ chức thi lại tại một số hội đồng thi hoặc trên cả nước; đình chỉ hoạt động, đề nghị xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo Hội đồng thi vi phạm Quy chế thi.
Với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, với Trưởng ban là lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố. Ban Chỉ đạo cấp tính chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện tất cả các hoạt động chuẩn bị, tổ chức thực hiện kỳ thi theo đúng Quy chế thi.
Mỗi tỉnh tổ chức một Hội đồng thi do Sở GD-ĐT chủ trì, với Chủ tịch là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở GD-ĐT. Hội đồng thi sẽ tiếp nhận đề thi gốc và tổ chức in sao đề thi; phổ biến thực hiện Quy chế thi, coi thi, bảo quản bài thi, làm phách, chấm thi, chấm phúc khảo... Các Hội đồng thi sử dụng thống nhất phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm do Bộ GD-ĐT cung cấp; thiết lập trao đổi thông tin về kỳ thi chính xác, cập nhật giữa trường phổ thông với Sở GD-ĐT; giữa Sở với Bộ GD-ĐT...
Chấm thi: Tại mỗi Hội đồng thi được thực hiện tại không quá 2 khu vực, trong đó, mỗi Ban Chấm thi thực hiện tại một khu vực duy nhất. Khu vực chấm thi phải bảo đảm an ninh, an toàn, có công an bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày... Ban Chấm thi tự luận có ít nhất 2 Tổ Chấm thi theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD-ĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân; mỗi bài thi được chấm hai vòng độc lập bởi cán bộ chấm thi của 2 Tổ Chấm thi khác nhau. Việc giao túi bài thi cho cán bộ chấm thi được thực hiện theo hình thức bốc thăm bằng phiếu...
Với bài thi trắc nghiệm, thành viên Tổ Chấm trắc nghiệm phải tuân thủ nghiêm túc quy trình chấm bài thi trắc nghiệm theo quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện bất thường phải báo ngay với Tổ trưởng Tổ Chấm thi trắc nghiệm để cùng Tổ Giám sát lập biên bản, báo cáo Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm xử lý. Các Phiếu trả lời trắc nghiệm đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD-ĐT cung cấp, kể từ khi quét ảnh đến khi có kết quả là điểm bài thi của từng thí sinh.
Mọi thí sinh đều có quyền được phúc khảo bài thi, theo đó, thí sinh nộp đơn phúc khảo tại nơi đăng ký dự thi trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Hội đồng thi phải công bố và thông báo kết quả phúc khảo cho thí sinh../.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận