Thái Nguyên xây dựng, gìn giữ nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc
Sự ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam là dấu mốc khởi nguồn đường lối “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Thời gian qua, đặc biệt là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm, chủ trương của Đảng để giữ gìn, phát triển văn hóa, con người phù hợp với điều kiện địa phương
Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa với hơn 200 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 50 di tích cấp quốc gia, 550 di sản văn hóa phi vật thể. Đây là nền tảng, nguồn lực quan trọng và lợi thế đặc trưng để xây dựng văn hóa con người Thái Nguyên. Những năm qua, các cấp, các ngành ở tỉnh Thái Nguyên đã tập trung, triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Bà Nguyễn Thuý Hằng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương nói: "Chúng tôi thường xuyên duy trì hội làng lễ hội hàng năm, phát huy vai trò của các nghệ nhân ưu tú truyền dạy kiến thức cho thế hệ trẻ. Chúng tôi thành lập các câu lạc bộ để nhân ra diện rộng những điệu múa, làn điệu Xán Cọ không chỉ riêng đồng bào Xán Chay mà còn cả cộng đồng các dân tộc ở huyện Phú Lương".
Huyện Phú Bình là địa phương có nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa ở tỉnh Thái Nguyên, trong đó 291 điểm di tích được công nhận và bảo vệ. Thời gian qua, các cấp chính quyền ở huyện Phú Bình đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo tồn, gìn giữ những di tích lịch sử văn hóa của địa phương.
Cùng với việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử của địa phương, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và xây dựng các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu thụ hưởng cho mọi tầng lớp nhân dân. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh được các cơ quan, đơn vị, trường học quan tâm thực hiện, chất lượng gia đình văn hóa ngày một nâng lên, qua đó các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, từng bước được đẩy lùi. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai hiệu quả, đi vào chiều sâu gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ông Trần Nho Hưởng - Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Phát triển văn hóa là trụ cột trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong chương trình xây dụng nông thôn mới bảo tồn phát huy bản sắc vùng miền là hết sức quan trọng, trong đó hàm chứa nhiều nội lực từng vùng miền. Trong các sản phẩm nông nghiệp đều hàm chứa những nét văn hóa, chứa cả yếu tố vật chất vô hình và hữu hình. Chính vì đó mà trong quá trình xây dựng nông thôn mới việc phát huy bản sắc vùng miền đã được chương trình thực hiện suốt thời gian qua".
Con người luôn giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển văn hóa, xây dựng con người là mục tiêu, động lực trong công cuộc đổi mới. Thời gian qua tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung xây dựng con người phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bà Lê Thị Thu Hà - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, cho biết: "Chú trọng hơn đến giáo dục đạo đức, nhân cách, nhất là tinh thần yêu nước, sự tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ để giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc".
Việc vận dụng sáng tạo Đề cương văn hóa Việt Nam để bảo tồn phát huy, xây dựng một nền văn hóa khoa học, dân tộc, đại chúng đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Nguyên theo hướng hiện đại, bền vững./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận