Tái hiện sử vàng Quân đội qua những trang sách
80 năm kể từ ngày khởi sinh nơi cánh rừng già của tỉnh Cao Bằng, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã viết nên những trang sử bằng vàng trong hành trình vệ quốc. Góp phần tái hiện dấu ấn chặng đường vẻ vang và cảm xúc ấy, Nhà xuất bản QĐND đã cho ra mắt bạn đọc bộ sách kỷ niệm dày dặn hơn 20 cuốn.
Tiếp cận bộ sách, trước hết là những hồi ký, hồi ức, câu chuyện của các tướng lĩnh kinh qua lửa đạn chiến trường. Vang lên trong từng câu chữ là cảm xúc ngày đầu quân ngũ hay dấu ấn đặc biệt của thời khắc lịch sử với những quyết sách mang tính chiến lược, những chiến công oanh liệt góp phần làm rạng danh Quân đội ta. Có thể kể đến như: “Bác Hồ và Đội du kích Pác Bó” của Thiếu tướng Lê Quảng Ba; “Kỷ niệm Cứu quốc quân” của Thượng tướng Chu Văn Tấn; “Đại thắng mùa xuân” của Đại tướng Văn Tiến Dũng; “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” của Thượng tướng Trần Văn Trà; “Ba lần gắn bó với đất nước chùa tháp” của Thiếu tướng Phùng Đình Ấm...
Kế đến là những cuốn sách nghiên cứu, tổng kết, tổng thuật phần nào giải đáp và bổ sung cho người đọc về hành trình vượt qua gian khó, giành thắng lợi vẻ vang của Quân đội ta. Mỗi cuốn sách là một chỉ dấu chân xác cho bạn đọc trong quá trình tiếp cận với thông tin của lịch sử. Đó là các cuốn sách: “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân”; “Lịch sử các đội quân tiền thân của QĐND Việt Nam”; “Vũ khí tự tạo điển hình trong chiến tranh giải phóng (1945-1975)”...
Dày dặn và phong phú nhất là những trường ca, bút ký, tuyển tập ca khúc mang đến cho người đọc bức tranh đa sắc, giàu cảm xúc về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ qua các thời kỳ. Có thể kể đến như: “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh”; “Linh khí quốc gia”; “Cao Bằng cội nguồn QĐND Việt Nam”; “80 gương mặt văn nghệ sĩ Quân đội”; “Cột mốc kể chuyện”; “Mái trường nâng cánh ước mơ bay”; “Cùng tình yêu ở lại”...
Với các tác giả của bộ sách, để phản ánh hình tượng Bộ đội Cụ Hồ chẳng phải gắng sức tìm kiếm ở đâu xa bởi trong mỗi lời nói, hành động của người lính tự thân đã toát lên những vẻ đẹp thuần phác và đáng quý. Ví như trong cuốn sách “Bác Hồ và Đội du kích Pác Bó”, Thiếu tướng Lê Quảng Ba khi kể câu chuyện sơ khởi về quá trình huấn luyện, tổ chức đội du kích đã có những tâm sự rất thật: “Chúng tôi nhanh chóng thống nhất được việc thay đổi khẩu lệnh “hướng hữu, chuyển!” bằng “bên phải, quay!”; “hướng tả, chuyển!” bằng “bên trái, quay!”. Những khẩu lệnh bằng tiếng Việt mình sao mà dễ hiểu và thú vị thế!”. Câu chuyện đơn giản vậy thôi nhưng cũng đủ khiến người đọc thêm cảm phục, tự hào về những ngày đầu luyện rèn điều lệnh đội ngũ của thế hệ ông cha để có được tính thống nhất, chính quy như ngày nay.
Ở một bài viết nhỏ trong cuốn sách “Cùng tình yêu ở lại”, tác giả Văn Thành Lê đã tái hiện cho người đọc câu chuyện về nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với ca khúc “Đoàn Giải phóng quân” gắn liền với nhịp bước hào hùng của người chiến sĩ ra trận: “Bấy giờ, Lương Ngọc Châu có một bài thơ viết về phong trào Nam tiến có câu: “Bộ đội Giải phóng quân một lần ra đi là không trở về”. Cảm nhận ý thơ bằng niềm say mê âm nhạc, ông vào phòng cầm cây đàn mandolin đánh lên giai điệu đầu tiên của “Đoàn Giải phóng quân”... Chỉ trong vòng hơn một tháng, từ Nam ra Bắc đều hát. Trên các đoàn tàu hỏa chở những đoàn quân Nam tiến dừng ở ga Đà Nẵng, Đội Văn nghệ tuyên truyền Việt Minh đã ca vang giai điệu hừng hực của thanh niên với lời thề quyết tâm lên đường cứu nước: Ra đi ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi ra đi thà chết chớ lui...”.
Những phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ cứ thế nối tiếp, trao truyền qua bao thế hệ được phản ánh sinh động trong từng cuốn sách. Người đọc có thể lựa chọn cho mình những khoảnh khắc riêng, dấu ấn cảm xúc riêng nhưng tất thảy đều chung một nhịp đập tự hào và ngưỡng vọng khi nhắc đến hành trình 80 năm truyền thống của Quân đội ta.
PHƯƠNG AN
Theo https://www.qdnd.vn/van-hoa/sach/tai-hien-su-vang-quan-doi-qua-nhung-tra...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận