Sắc xuân ở Làng Văn hóa
Trong những ngày này, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) ngập tràn sắc màu với Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” Xuân Ất Tỵ 2025.

Đến với Làng Văn hóa dịp này, người dân, du khách được hòa mình vào không gian đậm màu sắc lễ hội, để cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam trong hoạt động đón Tết vui xuân truyền thống. Như nghi thức mở cửa Tháp của dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận; Lễ hội khai hạ và giới thiệu, trình diễn lịch tre - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình; Tái hiện lễ ăn mừng lúa mới của dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận…
Không chỉ là nơi tái hiện những phong tục độc đáo, Ngày hội còn là dịp để các cộng đồng dân tộc gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết. Du khách từ khắp nơi đổ về, hòa mình vào dòng người tấp nập, cùng tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực truyền thống và chiêm ngưỡng những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc. Tất cả tạo nên một bầu không khí tưng bừng, náo nhiệt, mang đậm sắc Xuân và tình đoàn kết.
Theo chia sẻ của nghệ nhân Đàng Chí Quyết, dân tộc Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận, mỗi hoạt động tại Làng Văn hóa là sự kết nối tinh thần, là cơ hội để gửi gắm tình yêu và lòng tự hào về bản sắc dân tộc. Đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
“Văn hóa chính là linh hồn của dân tộc, nếu không được gìn giữ, trao truyền, những giá trị ấy có thể dần mai một theo thời gian. Nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình, chúng tôi càng phải cố gắng đoàn kết, nỗ lực hơn nữa để phát huy vai trò của chủ thể văn hóa, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình” - nghệ nhân Đàng Chí Quyết chia sẻ.
Hòa mình vào cùng những âm điệu trong lễ hội Khai hạ của đồng bào dân tộc Mường đến từ Hòa Bình, chị Nguyễn Thị Luyến, quê Nghệ An, chia sẻ: “Trước đây còn làm việc ở Hà Nội, tôi thi thoảng vẫn đến Làng Văn hóa để tham quan vào dịp cuối tuần. Hôm nay, khi trở lại đây không chỉ riêng mình mà hầu như mọi người đều tỏ ra rất vui khi được trực tiếp tham gia vào các nghi lễ truyền thống, thưởng thức những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc và trải nghiệm không khí Tết cổ truyền đậm đà bản sắc dân tộc”.
Ngày hội năm nay có sự tham gia của khoảng hơn 200 người là đại diện già làng, trưởng bản tiêu biểu, nhân sỹ, trí thức, nghệ nhân của 28 cộng đồng dân tộc, 29 lượt cộng đồng huy động của 14 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền. Trong đó có các dân tộc ít người như: Si La, Kháng, Hà Nhì, Cống (Lai Châu), Lô Lô, Bố Y, Pà Thẻn, La Chí (Hà Giang)...
(Theo https://daidoanket.vn/sac-xuan-o-lang-van-hoa-10300009.html)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận