Phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh hiện đại
“100 năm nghệ thuật Việt Nam – từ góc nhìn liên ngành và khai phóng”, là chủ đề Hội thảo khoa học được Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 26-12, tại Hà Nội.
Một trăm năm trước, sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924-2024) trực thuộc Viện Đại học Đông Dương (tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển hệ thống giáo dục về nghệ thuật ở Việt Nam.
Trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, sự mở rộng thực hành sáng tạo, nghệ thuật cùng xu thế phát triển của nền kinh tế sáng tạo và các lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo trong khu vực cũng như thế giới; liên ngành và khai phóng - những giá trị được xác lập từ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương dần trở thành một trong những định hướng then chốt, thúc đẩy các hoạt động giáo dục nghệ thuật theo xu hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.
PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật nhấn mạnh: Trong suốt thời gian tồn tại, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã đặt nền móng cho một mô hình giáo dục nghệ thuật theo hướng hiện đại với hai triết lý cơ bản là liên ngành và khai phóng. Đây là cơ sở cốt lõi để kiến tạo nền giáo dục nghệ thuật, nơi có sự hòa quyện tinh thần nghệ thuật phương Đông và ảnh hưởng của nghệ thuật hiện đại phương Tây, đồng thời sản sinh ra những thế hệ nghệ sĩ tài năng, nhà sư phạm nghệ thuật, những người góp phần định hình nghệ thuật hiện đại Việt Nam và lan tỏa các giá trị văn hóa và thẩm mỹ vượt thời gian.
Hội thảo không chỉ hướng tới mục tiêu tìm hiểu, tôn vinh những giá trị và đóng góp to lớn của Trường Mỹ thuật Đông Dương trong tiến trình phát triển, lịch sử sáng tạo và giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam, mà còn thảo luận, tìm tòi các giá trị có thể kế thừa, phát triển và mở rộng trong bối cảnh hiện đại.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nghệ sĩ, giảng viên đã tập trung thảo luận các vấn đề: Mỹ thuật Đông Dương và những vấn đề giáo dục nghệ thuật; nghệ thuật và di sản nghệ thuật trong đời sống xã hội hiện nay; từ sáng tạo đến thương mại, tiêu dùng văn hóa và thị trường nghệ thuật; thực hành nghệ thuật đương đại nhìn từ tiếp cận liên ngành; giáo dục đào tạo về công nghiệp văn hóa và sáng tạo…
Thông qua các tham luận, trao đổi trực tiếp, các nhà khoa học, nghệ sĩ, người thực hành nghệ thuật đương đại đã chia sẻ quan điểm, tranh luận học thuật mang tính xây dựng về các vấn đề trong bối cảnh sinh động, đa dạng với nhiều loại hình nghệ thuật sáng tạo.
Tin, ảnh: HÀ ANH
Theo https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/phat-trien-nghe-thuat-viet-nam-tron...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận