Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng biên
Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình "Bảo tồn và phát huy giá trị vùng biên" tại huyện Mèo Vạc do Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với tỉnh Hà Giang tổ chức.
Sáng 25/4, Đoàn công tác Trung ương Đoàn do Bí thư thứ nhất Đoàn Nguyễn Anh Tuấn dẫn đầu đã đến thăm, tặng quà và khảo sát việc thực hiện đề án "Đưa văn hóa truyền thống vào trường học" tại Trường PTDT bán trú tiểu học xã Cán Chu Phìn (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Tại chương trình, Đoàn công tác đã có cuộc giao lưu văn hóa truyền thống với giáo viên, CLB Khèn Mông và học sinh của nhà trường. Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đã trao tặng 10 bộ nhạc cụ khèn Mông cho CLB khèn Mông của Trường PTDT bán trú tiểu học xã Cán Chu Phìn.
Dịp này, đoàn công tác cũng trao tặng 100 lá cờ Tổ quốc, trao một bộ trống Đội và 500 khăn quàng đỏ cho các em học sinh nhà trường.
Tại Trường Tiểu học xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, một trong những trường tiêu biểu với hàng trăm học sinh là con em các dân tộc: Mông, Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô, Cờ Lao, Giáy, Dao..., Hiệu trưởng Hoàng Lệ Nhung cho biết: "Thực hiện Đề án, hằng ngày trong các giờ giải lao giữa buổi hay hoạt động ngoại khóa, học sinh đều được trường tổ chức chơi các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đánh yến, học múa khèn, múa xênh tiền, hát các bài hát dân gian của các dân tộc ở địa phương".
Bên cạnh đó, trường còn bố trí tài liệu về văn hóa các dân tộc thiểu số tại Thư viện Xanh để phục vụ nhu cầu đọc của học sinh.
Đặc biệt là, không gian giới thiệu nét văn hóa của các đồng bào dân tộc tới các em học sinh thông qua lồng ghép, giảng dạy văn hóa, giúp nhiều học sinh đã học và có thể trình diễn được nhiều điệu múa, hát dân gian, múa khèn Mông… Điều này sẽ giúp các em học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, góp phần giảm tải, bài trừ hủ tục lạc hậu ở địa phương.
Em Vừ Đức Hải (11 tuổi), học sinh lớp 5, Trường Tiểu học xã Cán Chu Phìn tâm sự: "Cháu học khèn được 1 năm và học từ ông cháu. Cháu rất vui vì được học khèn và rất thích tham gia các buổi học văn hóa truyền thống, đây là những giờ học rất nhẹ nhàng, không chỉ được vui chơi mà cháu và các bạn còn được hiểu biết thêm về văn hóa truyền thống các dân tộc. Được học ở trường, khi về nhà cháu còn dạy lại các làn điệu, điệu khèn dân gian cho các bạn".
Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản
Cũng trong sáng nay, Đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà 3 hộ gia đình già làng, trưởng bản, người có uy tín tìm hiểu, chia sẻ về văn hóa địa phương tại thôn Pả Vi hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Tại các điểm đến thăm, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn đã biểu dương những đóng góp của các già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại địa phương mình. Đồng thời nhấn mạnh, với vai trò và tiếng nói của các già làng, người có uy tín mà nhiều chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước kịp thời được chuyển tải đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách có hiệu quả và thiết thực.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn mong muốn trong thời gian tới, các già làng, người uy tín tiếp tục gương mẫu, tiên phong, nêu gương giúp đồng bào phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa và giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng đề nghị các già làng, người uy tín trong thời gian tới cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương trong việc khuyến khích đồng bào vận động con em đến trường, xóa bỏ nạn mù chữ, góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong dịp này, Trung ương Đoàn cũng khởi công xây dựng "Nhà hạnh phúc cho em" cho 2 em Giàng Mí Sính và Giàng Thị Dở là 2 anh em sinh đôi mồ côi cả bố, mẹ tại thôn Lũng Lừ A, xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc; CLB Đầu tư và Khởi nghiệp doanh nhân trẻ Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho 2 em đến năm 18 tuổi.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận