Nỗ lực bảo tồn các bài võ cổ
Nhiều năm qua, những người tâm huyết với võ thuật cổ truyền Việt Nam nỗ lực chung tay bảo tồn, lan tỏa các bài võ, thế võ cổ đang đối mặt với nguy cơ thất truyền.
Mới đây, Cục Thể dục Thể thao (TDTT), Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức lớp tập huấn triển khai bài quyền thuật của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng. Đặc biệt, lớp tập huấn có sự góp mặt của võ sư Nông Trang, đến từ Lâm Đồng, để phổ biến bài võ "Long quyền" của người Tày tưởng đã thất truyền.
Có bố là người Cao Bằng nhưng võ sư Nông Trang sinh ra và lớn lên tại Lâm Đồng. Từ trước đến nay, việc truyền dạy "Long quyền" của người Tày được tiến hành theo hình thức "cha truyền con nối". Bởi vậy, việc võ sư Nông Trang tham gia phổ biến "Long quyền" đến đông đảo người Tày là điều quý giá.

Cơ duyên để võ sư Nông Trang quyết định truyền dạy "Long quyền" từ tháng 10-2024. Khi ấy, một nhà nghiên cứu võ thuật trong lần tiếp xúc với võ sư Nông Trang đã biết về bài võ cổ "Long quyền" rồi thông báo tới ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, cũng là Trưởng phòng TDTT cho mọi người (Cục TDTT). Lập tức, ông Nguyễn Ngọc Anh cho người liên hệ với võ sư Nông Trang để xin phép đưa bài võ cổ "Long quyền" ra cộng đồng, trước hết là đưa về chính quê hương Cao Bằng của ông, nhằm tránh bị thất truyền. Sau đó, cán bộ của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đến tận nhà võ sư Nông Trang đặt vấn đề và được võ sư đồng ý.
Theo võ sư Trần Việt, Chánh Văn phòng Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, Phó tổng thư ký Hội Võ thuật Hà Nội, hiện có rất nhiều bài võ cổ truyền "ở ẩn" kiểu như bài "Long quyền", cần được lan tỏa rộng rãi nhằm tránh bị mai một. Nhiều võ sư hiện dạy võ theo lối “cha truyền con nối” hoặc chỉ dạy võ cổ cho số ít học trò mà không sử dụng các giải pháp khác để lưu giữ. Cách truyền dạy trong phạm vi hẹp trên có thể bị gián đoạn vì lý do nào đó, dẫn đến bài võ bị thất truyền.
Võ sư Trần Việt nhấn mạnh, thực tế cho thấy có nhiều bài võ cổ thuộc diện thất truyền, cần khẩn trương phục dựng. Hiện tại, Hội Võ thuật Hà Nội đang khôi phục các bài về "Gươm trường", xưa kia vốn là vũ khí chiến đấu phù hợp với người Việt. Công việc trên không đơn giản, bởi nhiều bài võ nguyên bản về gươm gần như bị vụn ra, mỗi người được trao truyền chỉ nhớ được một chút. Hay bài “Song ngư” sử dụng hai binh khí hình con cá đeo vào tay để đánh hiện chỉ có vài môn phái tập luyện, trong đó có Thiếu Lâm Hồng gia, Đông Đô Việt võ quyền... Hay như bài “Song nguyệt” của môn phái Nhất Nam hiện cũng không còn nhiều người tập.
Hiện Cục TDTT đang phối hợp với Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam triển khai Đề án khôi phục các bài võ cổ. Tại Hà Nội, Hội Võ thuật Hà Nội cũng miệt mài làm sống lại, lan tỏa các bài võ cổ. Ở TP Hồ Chí Minh, Bình Định..., những người tâm huyết với võ thuật nước nhà cũng đã và đang có chuyển động tích cực tương tự, nhằm tránh thất truyền những bài võ cổ.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, từ bên quản lý nhà nước đến Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam đang tiếp tục lên phương án lan tỏa các bài võ cổ khác tới cộng đồng trong thời gian tới. Trong khi đó, võ sư Trần Việt cho hay, việc số hóa hay ghi hình các bài võ chỉ mang tính chất lưu giữ là chủ yếu. Quan trọng nhất vẫn là đưa bài võ đến cộng đồng, càng có nhiều người tập càng tốt. Thời gian qua, việc một số địa phương, trong đó tiêu biểu có Bình Định tích cực lan tỏa võ cổ truyền trong các hoạt động văn hóa-thể thao là một cách làm đáng được tôn vinh, nhân rộng.
MINH HÀ
Theo https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/no-luc-bao-ton-cac-bai-vo-co-815425
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận