Ngày Việt Nam tại Pháp 2023': Khám phá văn hóa Việt qua các hoạt động trải nghiệm đa giác quan
Trong hai ngày 8-9/11, chương trình “Ngày Việt Nam tại Pháp 2023” đã mang đến trải nghiệm văn hóa đa giác quan thông qua nhiều hoạt động như thưởng thức Phở Thìn, chơi nhạc cụ dân tộc, mặc cổ phục và làm tranh dân gian.
Nổi bật không gian "Cội nguồn, sức sống và sự tiếp nối"
Là hoạt động chủ đạo trong Chương trình "Ngày Việt Nam tại Pháp 2023", khu vực Không gian văn hóa Việt Nam được tạo dựng chỉn chu, đậm đà bản sắc, thể hiện rõ chủ đề "Cội nguồn, sức sống và sự tiếp nối".
Thông điệp ý nghĩa "Trân trọng quá khứ, hướng tới tương lai" được truyền tải qua nhiều nội dung trưng bày, bao gồm các triển lãm ảnh về 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước, triển lãm ảnh về các Di sản thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam.
Công chúng Pháp xếp hàng chờ thưởng thức món Phở Thìn.
Đặc biệt, sự tiếp nối và phát huy văn hóa Việt được thể hiện rõ nét qua câu chuyện của Phở Thìn Bờ Hồ-món ăn nổi tiếng Hà Thành từ năm 1955. Gần 70 năm trôi qua, thương hiệu Phở Thìn vẫn giữ được hương vị xưa và mong muốn được phục vụ những tô phở thuần Việt cho bạn bè quốc tế.
Cũng trong Không gian văn hóa, công chúng Pháp được chiêm ngưỡng 25 tác phẩm sơn mài khắc độc đáo, lấy chủ đề "Các công trình kiến trúc Pháp tại Việt Nam", do họa sĩ Lương Minh Hòa thực hiện. Là người vô cùng tâm huyết với nghệ thuật dân gian và văn hóa truyền thống Việt Nam, họa sĩ Minh Hòa đã không ngừng sáng tạo, đổi mới cách làm, từ đó phát triển phương pháp làm tranh sơn mài khắc độc đáo. Loại hình nghệ thuật này vừa bảo tồn được giá trị của sơn mài truyền thống, vừa mang thêm hơi thở đương đại để đưa các tác phẩm dân gian lên một tầm cao mới.
Không chỉ được tìm hiểu về lịch sử sơn mài Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, khách tham dự còn được tự tay khắc sơn mài lên các món đồ lưu niệm và lưu giữ món đồ đó như một món quà kỷ niệm đáng nhớ.
Công chúng Pháp trải nghiệm và tương tác với văn hóa Việt
Tinh hoa mỹ thuật truyền thống Việt Nam đã được thể hiện rõ nét trong Bộ sưu tập cổ phục "Hành trình vàng son" do thương hiệu thời trang Vạn Thiên Y thiết kế. Đây là khu vực trưng bày nhiều áo lụa, áo gấm thêu tay tinh xảo, tái hiện lại trang phục của Vua chúa và quan lại triều Nguyễn (1802-1945). Phần lớn khách tham dự đều bày tỏ sự thích thú với lịch sử Việt Nam và dành nhiều thời gian để khoác lên mình những bộ trang phục đậm đà bản sắc dân tộc như áo Nhật Bình hay áo lập lĩnh tay chẽn.
Nghệ nhân trong các gian hàng tranh Đông Hồ và Tò he cũng mang đến sự kiện nhiều mẫu vật độc đáo, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham dự.
Tại sự kiện, nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm, con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế-người được Chủ tịch nước trao tặng Danh hiệu nghệ nhân ưu tú vì những cống hiến trong gìn giữ và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, đã trực tiếp trình diễn nghệ thuật in tranh dân gian Đông Hồ. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm trưng bày nhiều bộ tranh có màu sắc rực rỡ, thể hiện các câu chuyện dân gian thú vị. Các nguyên vật liệu hay công đoạn tạo tác tranh Đông Hồ cũng được nghệ nhân giới thiệu.
Bên cạnh việc trải nghiệm các loại nhạc cụ truyền thống của người Việt như đàn T'rưng, đàn bầu, sáo, … khách tham dự cũng vô cùng hào hứng khi được nghệ nhân Đặng Đình Thường hướng dẫn nặn Tò he-một loại đồ chơi truyền thống của trẻ em Việt Nam.
( Theo Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận