Một điểm về nguồn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc với trẻ nhỏ
Các di tích, tài liệu, kỷ vật ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã trở thành những vật chứng quý giá về cuộc đời và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 1954 đến 1969. Từ nhiều năm qua, nơi đây đã trở thành điểm tham quan về nguồn của đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có nhiều hoạt động trải nghiệm mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc dành cho học sinh các trường mầm non và tiểu học.
Trong chương trình giáo dục của các trường mầm non, tiểu học, hoạt động dã ngoại, trải nghiệm đóng vai trò quan trọng. Bằng những chương trình dã ngoại, trải nghiệm ở Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, tham quan điểm di tích và tìm hiểu những hiện vật đã và đang được trưng bày tại đây, các em nhỏ được tìm hiểu, bổ sung những kiến thức về Bác Hồ, được tận mắt nhìn ngắm những đồ dùng, căn nhà Người từng ở và làm việc, nhất là được tham gia các hoạt động cho cá ăn đầy thú vị ở Ao cá Bác Hồ.
Ở lứa tuổi này, nhu cầu học tập của các em không chỉ đơn thuần là hoạt động nhận thức mà nó còn gắn liền với nhu cầu vui chơi. Nếu tạo cho trẻ sự hứng thú nhất định, trẻ sẽ sôi nổi và ghi nhớ thông tin nhanh hơn.
Ban Quản lý Khu di tích đã xây dựng phim tư liệu Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng để phục vụ khách tham quan nhỏ tuổi. Tuy nhiên, do chủ yếu là phim tư liệu đen trắng, cho nên khó gây được sự chú ý đối với đối tượng trẻ mầm non, tiểu học. Ở lứa tuổi này, trẻ thường bị thu hút bởi những gì có mầu sắc sặc sỡ, ngôn từ đơn giản.
Các bộ phim hoạt hình có hình ảnh nhiều mầu sắc, âm thanh sống động thu hút được các em, giúp trẻ có nhận thức nhanh, ghi nhớ tốt về các nhân vật và thế giới chung quanh, bồi dưỡng kiến thức, trau dồi từ vựng. Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn cũng yêu thích thể loại phim hoạt hình bởi những giá trị nhân văn sâu sắc chứa đựng bên trong.
Rất đáng tiếc là chúng ta hiện chưa xây dựng được những bộ phim hoạt hình về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đề tài về cuộc đời và sự nghiệp của Người chỉ được nghiên cứu và khắc họa qua những thước phim tư liệu đen trắng. Hình ảnh Bác Hồ được khai thác dưới dạng truyện tranh gần gũi với trẻ em duy nhất chỉ có bộ sách Bác Hồ sống mãi của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Thời gian xem phim cũng là lúc các em nhỏ được nghỉ ngơi sau quãng đường dài xếp hàng vào thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi tiếp tục hành trình trải nghiệm.
Ban Quản lý Khu di tích đang phối hợp các trường học để tổ chức hiệu quả hoạt động tham quan trải nghiệm cho học sinh. Muốn vậy, các nhà trường cần xây dựng một kế hoạch cụ thể dựa trên nội dung chương trình học tập hằng năm của nhà trường. Bên cạnh đó, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch sẽ có những thông báo, phổ biến về những quy định, quy chế tham quan để các nhà trường nắm được, từ đó chủ động phối hợp trong công tác tổ chức và xây dựng nội dung học tập thực tế.
Trước mỗi buổi tham quan thực tế, các cô giáo cần giới thiệu trước cho trẻ hiểu một cách khái quát về Bác Hồ và tình cảm yêu quý của Người với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Sau những buổi đi thực tế tại Khu di tích, các cô cần hỏi lại và củng cố thêm cho trẻ những kiến thức thu được trong quá trình hoạt động tham quan tại Khu di tích thông qua các trò chơi, bài hát và phim hoạt hình về Bác Hồ...
Việc thu hút các em nhỏ đến với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch sẽ nâng cao hiệu quả giáo dục, mở mang nhận thức và kiến thức cùng tình cảm của các em nhỏ về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, góp phần định hướng nhân cách và tri thức của trẻ.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận