Lễ hội truyền thống đầu tiên của đất phương Nam được UNESCO ghi danh
Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; trở thành lễ hội truyền thống đầu tiên của đất phương Nam được đón nhận vinh dự này. Đây là minh chứng cho nền văn hóa đa dạng, lâu đời, đậm đà bản sắc của Việt Nam; đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế.
Khẳng định giá trị văn hóa truyền thống đất Nam Bộ
Là một trong 66 ứng viên được xét trong kỳ sơ tuyển lần thứ 19 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam đã vượt qua các yêu cầu khắt khe để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh, di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của khu vực Nam Bộ (cùng với Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ).
Cách TP Long Xuyên khoảng 60km, quần thể thắng tích miếu Bà Chúa xứ núi Sam-Châu Đốc được xem là điểm đến thú vị của khách thập phương khi khám phá vùng đất An Giang. Đặc biệt, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam hằng năm được tổ chức từ ngày 22 đến 27 tháng Tư âm lịch, thu hút hàng triệu lượt người đến tham dự, chiêm bái.
Có nhiều giai thoại về nguồn gốc của Bà Chúa xứ núi Sam, nhưng có một giả thiết được người dân nơi đây truyền tụng khá phổ biến. Theo đó, vùng này xưa kia là một biển nước mênh mông. Núi Sam khi ấy là hòn đảo hiện lên giống hình một con sam khổng lồ. Người ta cho rằng các thương nhân phương xa ngày xưa giong buồm qua lại nơi đây. Lâu dần, họ mang tượng thần đặt lên đảo để hành lễ. Có thể vì chiến tranh hoặc bão dữ, các thương nhân ấy đã rời đi, để sót lại một tượng thần mà sau hàng mấy thế kỷ, những lưu dân đến khẩn hoang đã phát hiện và đưa về lập miếu thờ ở chân núi, nay là miếu Bà Chúa Xứ núi Sam.
Bà Chúa Xứ được xem là Thánh mẫu của vùng đất biên viễn Tây Nam nước ta, nơi có sự cộng cư của đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm. Bởi thế, mỗi ngày miếu Bà đều nghi ngút khói hương, người đến viếng đông nườm nượp. Đặc biệt, từ Tết Nguyên đán đến ngày Vía Bà, khách hành hương về rất nhiều. Người ta tin rằng, cúng Bà vào dịp đầu năm trong những ngày “Vía” sẽ mang lại hạnh phúc, bình an, may mắn, sức khỏe quanh năm.
Theo Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam của Việt Nam đáp ứng 5 tiêu chí, bao gồm: Lễ hội được cộng đồng người Kinh, Khmer, Chăm và Hoa tại TP Châu Đốc tổ chức; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bình đẳng giới, phát triển kinh tế toàn diện, cũng như thúc đẩy hành động bảo vệ bền vững môi trường và khí hậu, bảo vệ hòa bình và gắn kết xã hội; Nhà nước đã đề xuất các biện pháp bảo vệ; hồ sơ bầu cử đã xác định vai trò của các cơ sở, nhân vật, đại diện cộng đồng và di sản được đưa vào Danh mục quốc gia Di sản văn hóa phi vật thể và Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể của An Giang.
Tự hào di sản thế giới
Những ngày này, người dân An Giang nói riêng, Việt Nam nói chung không khỏi tự hào khi Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành lễ hội truyền thống đầu tiên của vùng đất phương Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh: “Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam là Di sản văn hóa phi vật thể có giá trị đặc biệt, không chỉ đối với người dân An Giang nói riêng mà còn đối với cộng đồng người dân Nam Bộ nói chung-gắn liền với lịch sử 192 năm hình thành, phát triển tỉnh An Giang (1832-2024). Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam An Giang được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đã khẳng định tính toàn vẹn, tính xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản độc đáo này”.
Việc UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc cùng tổ chức, quản lý và gìn giữ di sản chung, gắn kết cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Anh Bùi Hoàng Nam (quê ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đi cúng Bà ngay trong ngày đầu tiên UNESCO công nhận Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Anh Nam cho biết: “Đây là niềm tự hào to lớn của quê hương An Giang và cả nước nói chung. Lễ hội được UNESCO ghi danh sẽ nâng cao ý thức của cộng đồng trong quá trình tổ chức, quản lý và gìn giữ di sản. Việc ghi danh cũng đã khẳng định vai trò của các nghi lễ mang tính cộng đồng, phản ánh sự đa dạng văn hóa”.
Không chỉ góp phần bảo tồn di sản, việc trở thành di sản của UNESCO cũng được kỳ vọng mang lại những giá trị to lớn hơn cho cộng đồng, nâng cao sự tôn trọng văn hóa trong việc thể hiện niềm khát vọng chung về cuộc sống an lành, mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh. Đồng thời, góp phần chia sẻ hình thức thực hành lễ hội, khẳng định vai trò của các nghi lễ mang tính chất dung hợp văn hóa các cộng đồng. Lễ hội được UNESCO ghi danh còn thúc đẩy sự hiểu biết, đối thoại giữa cộng đồng các dân tộc có tín ngưỡng thờ nữ thần ở Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, đề cao những sáng tạo văn hóa tâm linh của các dân tộc và góp phần nhận diện sự tương đồng về văn hóa giữa các dân tộc.
TRƯƠNG CHÍ HÙNG
Theo https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/le-hoi-truyen-thong-dau-tien-cua-da...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận