“Hãng phim truyện Việt Nam xứng đáng được coi là một di sản văn hoá”
Theo đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, nguyên Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim truyện Việt Nam xứng đáng là một di sản và được đối xử như một di sản văn hoá nói chung và điện ảnh nói riêng.
Không thể để Hãng phim thành “bãi rác”
Tại lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam, NSND Trà Giang đã rơi nước mắt khi về thăm lại trụ sở của Hãng phim truyện Việt Nam. Đây được xem là "cái nôi" của điện ảnh cách mạng, nơi sản xuất cả trăm bộ phim kinh điển của điện ảnh nước nhà nhưng giờ trở nên tiêu điều, hoang tàn.
“Cách đây vài ngày, tôi từ TP.HCM ra Hà Nội và đã đến Hãng phim. Nơi đây từng có 600 anh chị em nghệ sĩ cùng công nhân, cán bộ mỗi năm đã làm chục bộ phim nhưng giờ hoang tàn, đổ nát tới không thể tưởng tượng nổi”, NSND Trà Giang đau xót.
Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL). Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật, với các tác phẩm như “Chung một dòng sông”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Nổi gió”, “Chị Tư Hậu”, “Sao tháng Tám”, “Em bé Hà Nội”, “Vợ chồng A Phủ”, “Mùa ổi”...
Trong suốt 70 năm qua, Hãng sản xuất hơn 400 bộ phim điện ảnh, truyền hình, tài liệu. Từ bộ phim đầu tiên của điện ảnh Cách mạng “Chung một dòng sông” (1959), tới đầu những năm 1990, Hãng phim truyện Việt Nam vẫn giữ vai trò chủ lực của điện ảnh. Nhiều tác phẩm gặt hái giải Vàng ở các Liên hoan phim Việt Nam, nhiều giải thưởng quốc tế.
Bộ phim cuối cùng Hãng sản xuất là “Cuộc đời của Yến” (2015). Kể từ thời điểm cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam không sản xuất thêm được bộ phim nào từ năm 2016 đến nay.
Theo đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân, nguyên Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim truyện Việt Nam xứng đáng là một di sản và được đối xử như một di sản văn hoá nói chung và điện ảnh nói riêng.
Hồi tháng 12/2022, NSND Nguyễn Thanh Vân và các nghệ sĩ đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) kêu cứu khẩn cấp về tình trạng tại kho phim lưu trữ của Hãng phim truyện Việt Nam bị hỏng nặng, một số phim không thể phục hồi vì không được bảo quản. Trong đó có những tác phẩm phim “Cỏ lau”, tác phẩm đoạt giải Ngọn đuốc Vàng tại Liên hoan phim Bình nhưỡng, Triều Tiên (1995), “Tâm hồn mẹ”, đoạt giải Phim xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam tại Malo, Pháp (2014)…
Sau gần 4 tháng gửi đơn kiến nghị, ông và các nghệ sĩ chưa nhận được đơn phản hồi từ phía Bộ VHTT&DL. Ông đau xót khi kho phim vẫn âm thầm "chết" mà chưa có hướng khắc phục.
NSND Thanh Vân chia sẻ: “Nếu chưa thể giải quyết vấn đề của Hãng phim, hãy cứu lấy kho phim. Những thước phim ấy chứa đựng cả máu, nước mắt của bao thế hệ đi trước để có được hình ảnh quý giá đó. Đó là quá khứ bi tráng đóng góp cho điện ảnh cách mạng mà bị bỏ rơi một cách không thương tiếc”.
“Không thể để Hãng phim thành “bãi rác”, đặc biệt kho phim là cả một linh hồn sống trong đó, di sản ấy vô cùng quý giá với thế hệ sau này. Đây là một kết nối chắc chắn, bền vững không thể thay thế của lịch sử, quá khứ với hiện tại”, NSND Nguyễn Thanh Vân nói.
Mong muốn giải quyết dứt điểm những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam
Ngày 17/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) đang bị hoang tàn, đổ nát.
Các bộ, ngành phải tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23/3.
Đây là tin vui với các nghệ sĩ trong lĩnh vực điện ảnh khi nhiều năm mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam.
NSƯT, đạo diễn Nguyễn Đức Việt chia sẻ: “Chúng tôi rất mừng khi Thủ tướng đã quan tâm đến vấn đề cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Chúng tôi rất hy vọng, lần này hơn lần trước, mong rằng những chỉ đạo của Thủ tướng sớm đi vào hiện thực”.
Để gỡ rối vấn đề hiện nay, đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt chỉ rõ phải khắc phục sai lầm trong việc cổ phần hoá và cần có một lộ trình khôi phục Hãng phim truyện Việt Nam: “Bộ VHTT&DL nên có hoạch định cụ thể cho sự phát triển của Hãng phim truyện Việt Nam. Cùng với đó là nỗ lực của chính các nghệ sĩ, cán bộ nhân viên ở Hãng phim truyện Việt Nam. Để tiếp cận nền điện ảnh tiên tiến hiện đại, các nghệ sĩ vẫn phải giữ được bản sắc dân tộc”.
NSƯT Nguyễn Đức Việt nói thêm: “Ở thế kỷ trước, hãng phim truyện Việt Nam gần như là đơn vị duy nhất thực hiện các tác phẩm phim truyện. Kho phim chứa đựng rất nhiều tác phẩm kinh điển như “Chung một dòng sông”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Em bé Hà Nội”, “Nổi gió”,… Gần 400 tác phẩm định hình điện ảnh cách mạng Việt Nam, không chỉ trong nước mà còn được quốc tế công nhận. Đó là kho báu, là di sản vô giá, nó chứa đựng những bài học làm nghề, thái độ làm việc của thế hệ đi trước truyền lại để thế hệ sau tiếp nối.
Số phận của Hãng phim truyện Việt Nam phụ thuộc vào hành động của chúng ta. Nếu chúng ta không giữ gìn, tiếp nối một cách nghiêm túc thì sẽ mất mát đi rất nhiều. Chúng tôi cố gắng bảo vệ, gìn giữ quá khứ tốt đẹp đó để phát triển cho mai sau”.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng nhắc đến Hãng phim truyện Việt Nam trong phát biểu của mình tại lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam: “Đã hơn 7 năm nay, toàn ngành điện ảnh vẫn không khỏi xót xa với câu chuyện cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam - tại đơn vị từng được coi như “cánh chim đầu đàn” của ngành điện ảnh. Tới hôm nay, số phận và tương lai của Hãng phim truyện Việt Nam vẫn là vấn đề nổi cộm nhức nhối chưa được giải quyết dứt điểm, khiến nhiều nghệ sĩ thuộc đơn vị đã và đang phải chịu biết bao thiệt thòi khi không hề có lương hàng tháng, không có bảo hiểm xã hội, nhiều cán bộ đến tuổi nghỉ hưu chỉ được hưởng chế độ thấp... Do đó, toàn ngành điện ảnh cùng khẩn thiết mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại Hãng phim truyện Việt Nam”./.
Về cổ phần hóa và những vấn đề tồn đọng của Hãng phim truyện Việt Nam, Bộ VHTT&DL cho biết việc đánh giá về trình tự, thủ tục của quá trình tiến hành cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cũng như trách nhiệm của các đơn vị cá nhân có liên quan đã được Thanh tra Chính phủ rà soát, kiểm tra và có Kết luận thanh tra số 447/KL-TTCP ngày 30/3/2018, Kết luận thanh tra số 1412/KL-TTCP ngày 23/8/2018 và Kết luận thanh tra số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018 về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ VHTT&DL cho biết thực hiện kết luận sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam cũng như việc nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh từng gắn bó với địa chỉ số 4 Thuỵ Khuê, Bộ VHTT&DL “tích cực triển khai những nội dung đã được nêu trong kết luận cũng như từng chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo Chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài”.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận