GĐ Sở Văn hóa Hải Phòng "kéo" khán giả ra khỏi điện thoại, mạng xã hội
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện thành công đề án "Sân khấu truyền hình", Hải Phòng thể hiện quyết tâm đưa nghệ thuật tới gần hơn với công chúng khi công bố kế hoạch "Sáng đèn Nhà hát thành phố".
Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã tổ chức triển khai kế hoạch Sáng đèn Nhà hát thành phố. Theo đó, vào các tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần sẽ diễn ra các chương trình nghệ thuật, các vở diễn hàn lâm, kinh điển, đặc sắc của thế giới và của Việt Nam thuộc nhiều loại hình nghệ thuật do các đơn vị nghệ thuật của thành phố, các nhà hát trung ương và tỉnh, thành thực hiện.
Bà Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết, Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM đều có Nhà hát Lớn - những công trình văn hóa - với kiến trúc độc đáo và lịch sử hơn 100 năm. Vì vậy, công bố triển khai kế hoạch Sáng đèn Nhà hát Thành phố, Hải Phòng hướng tới mục đích là phát huy hết công năng là nơi biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Lớn.
"Chúng tôi muốn Nhà hát Lớn thành phố sẽ là điểm diễn cho các nghệ sĩ không chỉ của Hải Phòng mà của cả nước, của quốc tế. Để nhà hát không chỉ là địa điểm tham quan du lịch mà còn là nơi duy trì định kỳ, là điểm hẹn quen thuộc của khán giả và du khách đến thưởng thức tác phẩm nghệ thuật vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần", bà Hoàng Mai chia sẻ.
Bà Mai chia sẻ: "Chúng tôi đã mở màn với vở diễn kinh điển Romeo và Juliet do đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai (Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) dàn dựng, diễn viên Thu Quỳnh (Nhà hát Tuổi trẻ), diễn viên Tiến Lộc (Nhà hát Kịch Hà Nội) cùng tham gia với diễn viên Đoàn kịch Hải Phòng và một số đơn vị nghệ thuật.
Mới đây là vở chèo Mưa đỏ. Cùng thời gian này tại Nhà hát tháng Tám có 2 chương trình biểu diễn: Ai rồi cũng sẽ khác và Đời cười của Nhà hát Tuổi trẻ".
Bà Hoàng Mai cho biết thêm, Hải Phòng có cơ chế mở, sẵn sàng mời những nghệ sĩ tài năng khắp cả nước tham gia các chương trình, đồng thời với các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cả nước khi tới biểu diễn tại Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng đều được miễn phí hoàn toàn địa điểm.
Với sự hợp lực của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cả nước, bà Mai tin tưởng rằng khán giả Hải Phòng sẽ được xem những vở diễn, những chương trình văn hóa nghệ thuật giải trí có chất lượng, có sự đầu tư.
Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao Hải Phòng chia sẻ thêm, đề án sân khấu truyền hình Hải Phòng đến giờ đã được triển khai hơn 3 năm thông qua các chương trình biểu diễn tại Hải Phòng và được truyền hình trực tiếp trên các kênh sóng đài Truyền hình Hải Phòng và chuyển tiếp trên các kênh truyền hình cả nước. Đây là cơ hội để người dân có điều kiện thưởng thức nghệ thuật.
Theo bà Mai, trong xu hướng phát triển của thời đại 4.0 như bây giờ, những người làm nghệ thuật cần phải tạo ra nhiều hình thức mới để cho khán giả có cơ hội lựa chọn thưởng thức nghệ thuật.
"Ở thời đại phát triển công nghệ số, người làm nghệ thuật cần có nhiều sáng tạo, tìm tòi. Có thể còn có nhiều khó khăn nhưng chúng tôi muốn tạo một điểm đến hấp dẫn để "kéo" khán giả đến rạp, đến nhà hát thay vì ở nhà nằm xem điện thoại, lướt mạng xã hội.
Hơn thế nữa, chúng tôi muốn tạo ra một thói quen cho khán giả và du khách về Hải Phòng: Cứ cuối tuần là đi xem nghệ thuật ở Nhà hát thành phố hoặc Nhà hát tháng Tám Hải Phòng…", bà Mai bày tỏ.
Phương Bảo (Theo Dantri.com.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận