Dòng hồi ức đẹp về vị tướng trận mạc
Góp những góc nhìn chân thực về mặt tư liệu, khơi xúc cảm lắng đọng về hành trang của vị tướng trận mạc. Đó là những điều mà độc giả có thể cảm nhận qua cuốn sách “Cha tôi-Thiếu tướng Hà Vi Tùng” của tác giả Nam Hà (bút danh của người con trai cả Hà Hoài Nam). Cuốn sách nằm trong bộ sách kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành.
“Cha tôi-Thiếu tướng Hà Vi Tùng” là câu chuyện xúc cảm được kể theo thời gian tuyến tính về vị tướng đã kinh qua những cuộc kháng chiến vệ quốc dặm dài của lịch sử dân tộc. Khởi sinh từ tình cảm chân thành, mộc mạc của người con với cha, vì vậy, những hồi ức và cảm xúc trong câu chuyện luôn gắn kết, đan cài gần như trùng lắp giữa điểm nhìn của tác giả và nhân vật. Đây cũng là ưu thế trong việc khắc họa chân dung nhân vật một cách chân thực, gần gũi.
Ngay từ những trang đầu của cuốn sách, người đọc sẽ được bước vào không gian trầm tích xứ Đoài đến ngọn cờ cách mạng thành Tuyên, nơi người thanh niên trẻ Hà Vi Tùng có những rung cảm khi bắt gặp lý tưởng cách mạng. Để rồi sau đó là hành trình Nam tiến với những chiến công đầu trong 101 ngày đêm bao vây giam chân thực dân Pháp tại Mặt trận Nha Trang-Khánh Hòa. Bản anh hùng ca về người lính trận mạc tiếp tục được khẳng định qua vai trò là Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn Lá Mít (Tiểu đoàn 365), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 803 trong kháng chiến chống thực dân Pháp; rồi chỉ huy trên các mặt trận lớn như Tây Nguyên, Trị Thiên, Cánh Đồng Chum-Hạ Lào trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong cuốn sách, đồng chí Hà Vi Tùng xuất hiện với phong thái chỉ huy mưu trí, dũng cảm, kiên quyết, được đồng đội tin yêu, kẻ thù nể sợ. Nổi bật như trận đánh địch trong công sự đồn Phước Thuận bằng chiến thuật cường tập đầu tiên trên chiến trường Khánh Hòa năm 1948, Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên, giải phóng Kon Tum góp phần chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, Chiến dịch Plei Me đánh bại cuộc hành quân đầu tiên của đế quốc Mỹ vào Tây Nguyên năm 1965... Trong mỗi trang viết về trận đánh, chiến dịch, tác giả Nam Hà đã thể hiện sự tỉ mỉ khi dày công nghiên cứu tư liệu, phỏng vấn các nhân vật lịch sử như Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu... để xây dựng nên hình ảnh chân xác nhất về hình tượng Hà Vi Tùng, người chỉ huy phụ trách tác chiến trên chiến trường.
Một điểm nổi bật trong cuốn sách là giữa không khí dồn dập, gấp gáp, căng cứng tưởng như đến “tức thở” của khói lửa chiến trường, tác giả đã khéo léo đan cài những trường đoạn miêu tả ngoại cảnh và tâm trạng giúp kéo giãn mạch kể cho các sự kiện. Có thể kể đến như tình cảm quân dân đầy xúc động: “Các mẹ, các chị buộc thêm nắm xôi, ít hoa trái trong nhà lên hành trang của bộ đội. Những bàn tay nắm lấy bàn tay, nước mắt không sao cầm được... Đường rừng xa xôi, nếu nhớ chúng con hãy nhìn lên sao trời, nơi đó chúng con vẫn dõi theo Nha Trang, chiến đấu vì Nha Trang yêu dấu...”. Hay miêu tả cảnh rừng Tây Nguyên đặc trưng như ôm riết những người lính vào lòng: “Mưa luồn qua những tán cây, xộc vào từng khe suối, làm đất và núi thở ra cái mùi xa xôi, dịu vợi. Càng về đêm, cái mùi rừng đặc trưng ấy lại càng quấn quýt, bám riết lấy bộ đội ta. Với bộ đội, rừng vừa giấu những bí mật lặng lẽ, vừa gần gũi, thân thiết đến lạ kỳ”.
Cuốn sách kết lại ở chặng cuối cuộc đời binh nghiệp của đồng chí Hà Vi Tùng khi ông là Thiếu tướng, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 3 (năm 1987, sáp nhập vào trường Sĩ quan Lục quân 2) và dành tình cảm sâu nặng cho TP Nha Trang. Dấu ấn hành trình 70 mùa xuân của Thiếu tướng Hà Vi Tùng gửi gắm lại nơi thành phố biển nhưng câu chuyện cuộc đời của ông vẫn còn mãi, để thế hệ sau thêm ngưỡng vọng về cuộc đời một vị tướng trận mạc trọn vẹn nghĩa tình.
XUÂN PHONG
Theo https://www.qdnd.vn/van-hoa/sach/dong-hoi-uc-dep-ve-vi-tuong-tran-mac-80...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận