Để không lãng phí những tủ sách vùng cao
Tại các xã và nhiều thôn, bản vùng cao tỉnh Bắc Kạn hiện đều được trang bị tủ sách pháp luật, tủ sách văn hóa với khá nhiều đầu sách thiết thực, hữu ích. Tuy nhiên, những tủ sách này lại không được người dân quan tâm sử dụng, gây ra sự lãng phí đáng tiếc.
Để đáp ứng tiêu chí tiếp cận pháp luật của xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 11 thôn bản của xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) được trang bị tủ sách pháp luật tại ở Nhà văn hóa thôn. Thế nhưng thực tế đáng buồn là gần 2 năm qua, toàn bộ số sách, báo, tờ rơi… của thôn Phiêng An vẫn được "bảo quản" trong chiếc tủ sắt khóa kín ở một góc hội trường.
Ông Hoàng Nguyễn Hữu, Trưởng thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Dù số lượng sách không nhiều nhưng khá phong phú về nội dung: Từ sách hướng dẫn pháp luật, sách hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt đến cả sách truyện dành cho các lứa tuổi... Vậy nhưng đã lâu, người dân Phiêng An không còn ai tìm đọc và tủ sách cũng không được bổ sung cuốn mới.
Còn tại Tân Sơn, một xã đặc biệt khó khăn với tuyệt đại đa số là người Dao sinh sống, dù tủ sách của xã đã được chuyển từ trụ sở Ủy ban ra Bưu điện trung tâm mà vẫn vắng người đến đọc. Tân Sơn là xã nông nghiệp với cây trồng chính là gừng, vậy nhưng ở đây hầu như không có cuốn sách nào liên quan đến loại cây trồng này. Có lẽ đó cũng là một phần lý do khiến người dân không mấy mặn mà với tủ sách.
Bà Triệu Thị Kiều, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Ngân sách xã eo hẹp nên toàn bộ sách, truyện được huyện cấp hoặc Thư viện tỉnh tặng nên cũng rất khó để lựa chọn được những đầu sách phù hợp nhất với nhu cầu người dân.
“Tôi mong tới đây các chương trình hỗ trợ, cấp trên cấp đầu sách phù hợp thực tế sản xuất và nhu cầu văn hóa dân tộc Dao địa phương. Ví dụ ở xã phát triển kinh tế chủ yếu là cây gừng, cây trúc, khoai sọ, cây lâm nghiệp… mong cấp trên quan tâm cấp các loại sách sẽ phù hợp với đặc thù, đặc trưng phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra, xã sẽ tìm giải pháp phối hợp với các đoàn thể, hội và trường học để phát triển văn hóa đọc sách cho người dân”- bà Kiều nói.
Hiện nay, các xã tại Bắc Kạn vẫn duy trì tủ sách và đặt ở Bưu điện trung tâm xã hoặc Nhà sinh hoạt cộng đồng. Ngoài các loại sách về khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, văn học, tủ sách của nhiều thôn bản cũng có nhiều loại sách pháp luật. Tuy nhiên hầu hết đều đều rơi vào tình trạng đìu hiu, vắng bóng độc giả.
Ông Lộc Hữu Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn cho rằng: “Về tủ sách pháp luật, theo quan điểm địa phương và chủ trương thì vẫn sẽ cần duy trì theo quy định hiện hành. Còn về cách quản lý cũng mong muốn chúng ta tìm những đầu sách phù hợp phát triển sản xuất địa phương và các văn bản phát luật mới, cập nhật đầy đủ. Chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân tra cứu. tìm hiểu văn bản mới này cũng như tìm giải pháp nâng cao văn hóa đọc cho người dân”.
Khi hầu hết thôn, bản vùng cao được phủ sóng internet di động và điện thoại thông minh ngày càng phổ biến, thói quen đến thư viện của người dân có xu hướng mai một cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng xây dựng tử sách nặng về hình thức mà chưa chú trọng nội dung, chất lượng; chưa có những đầu sách thiết thực, phù hợp với nhu cầu và thực tiễn của người dân từng khu vực.
Xây dựng và duy trì các tủ sách, tài liệu pháp luật tại cơ sở hiện vẫn là nhiệm vụ được tỉnh Bắc Kạn quan tâm chỉ đạo. Vậy nhưng để những tủ sách này thực sự góp phần nâng cao dân trí và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội các địa phương, rất cần sự quan tâm của chính quyền các cấp từ việc đầu tư kinh phí mua sách mới, luân chuyển sách... đến việc tuyên truyền khuyến khích người dân đến các điểm đọc sách. Và quan trọng nhất là tránh tình trạng xây dựng tủ sách chỉ mang tính hình thức, như một phần trong việc hoàn thiện các thiết chế xây dựng Nông thôn mới mà thôi./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận