Cúc Phương nhận cúp vinh danh Vườn quốc gia hàng đầu châu Á
Tổ chức World Travel Awards (WTA) đã trao cúp vinh danh Vườn quốc gia hàng đầu châu Á năm 2023 cho Vườn quốc gia Cúc Phương.
Đây là lần thứ năm liên tiếp (2019, 2020, 2021, 2022, 2023) Vườn quốc gia Cúc Phương giữ danh hiệu cao quý này.
World Travel Awards là một trong những giải thưởng hàng đầu trong ngành du lịch trên toàn cầu. Giải thưởng này nhằm tôn vinh các địa điểm du lịch xuất sắc và góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương, cho biết: "Chúng tôi tự hào khi nhận được sự công nhận từ World Travel Awards. Đây là sự động viên lớn đối với chúng tôi để duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Chúng tôi cam kết tiếp tục bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo của Cúc Phương, sánh vai cùng các vườn quốc gia danh giá trong khu vực châu Á".
Với diện tích 22.408 ha nằm trên địa bàn của 14 xã, 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, địa hình rừng Cúc Phương chủ yếu là núi đá vôi có độ chênh cao trung bình so với mặt biển từ 400 - 450 m. Mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới, Cúc Phương chứa hệ giá trị đa dạng sinh học vô cùng quý giá, là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam.
Tính đến nay đã ghi nhận 2427 loài, thuộc 931 chi, 231 họ thực vật. Trong đó, 430 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 240 loài cây có thể sử dụng làm thuốc nhuộm, 137 loài cho tanin... 57 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 và Sách đỏ IUCN năm 2020, và 15 loài thực vật đặc hữu như: Chè hoa vàng Cúc Phương; Thu hải đường Cúc Phương; Lan Việt; Trâm Cúc Phương; Dị hùng Cúc Phương.
Bên cạnh sự đa dạng của thảm thực vật, khu hệ động vật Cúc Phương cũng vô cùng phong phú và độc đáo. Kết quả nghiên cứu đã ghi nhận 669 loài có xương sống thuộc 120 họ, 35 bộ, bao gồm: 138 loài thú, 337 loài chim, 80 loài bò sát, 48 loài lưỡng cư, 66 loài cá, trong đó có 73 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục IUCN 2020, 3 loài đặc hữu là Sóc bụng đỏ đuôi hoe, cá Niết Cúc Phương và Thằn lằn tai Cúc Phương.
Về động vật không xương sống, có 1.899 loài thuộc 169 họ, 33 bộ, 6 lớp và 3 ngành. Trong đó lớp côn trùng đóng vai trò chính có số lượng rất lớn như Bộ cánh cứng 454 loài, Bộ cánh vẩy 378 loài và Bộ cánh màng 314 loài.
Cùng với sự đa dạng và phong phú về khu hệ động, thực vật, Cúc Phương còn là một bảo tàng thiên nhiên tuyệt vời lưu giữ nhiều dấu tích của sự sống từ thời tiền sử cho đền ngày nay. Đó là các hoá thạch, các hài cốt, các công cụ… trong các hang động - những lài liệu quan trọng ghi lại cuộc sống của muôn loài, ghi lại sự biến đổi thăng trầm của lịch sử phát triển địa chất qua các thời kỳ. Ở Cúc Phương, các nhà khoa học khảo cổ, lịch sử đã và đang công bố nhiều phát hiện có giá trị đặc biệt, nhất là về cổ sinh học và khảo cổ học, gắn với hệ thống hang động khô.
Với chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch Cúc Phương trong giai đoạn mới, lấy việc nâng cao nhận thức về thiên nhiên thông qua du lịch sinh thái là nền tảng, dựa trên thành quả của công tác bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và cứu hộ bảo tồn, những năm gần đây Cúc Phương hướng tới nghiên cứu, phát triển và vận hành những sản phẩm sáng tạo, táo bạo và độc đáo.
Tour Về Nhà – tham gia tái thả động vật sau cứu hộ, Trồng cây "Thêm xanh cho cánh rừng già" Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Hội xuân Cúc Phương vào dịp Tết Nguyên Đán, "Hành Trình Hồi Sinh" - tham gia quy trình cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã, Bộ Chương trình Giáo dục Trải nghiệm thiên nhiên dành cho học sinh phổ thông các cấp, Trại hè "Lớn lên cùng đại ngàn"… là những sản phẩm đã tạo nên thương hiệu du lịch sinh thái Cúc Phương, góp phần tích cực vào mục tiêu sớm đưa Cúc Phương trở thành vườn quốc gia kiểu mẫu, là trường học lớn về thiên nhiên. Cúc Phương đã và đang là điểm đến hàng đầu của học sinh, sinh viên, các nhà khoa học và du khách trong nước, quốc tế.
Du lịch có sự tham gia của cộng đồng là một nguyên tắc quan trọng của du lịch sinh thái, chính vì vậy hoạt động này được triển khai tại Vườn quốc gia Cúc Phương từ khá sớm (từ năm 1993) và Cúc Phương cũng là vườn quốc gia đầu tiên thực hiện mô hình này.
Tuyến du lịch xuyên rừng ngủ bản Mường tại bản Khanh, Ân Nghĩa, Hòa Bình đã thu hút được nhiều du khách và trở thành điểm đến thường xuyên khi du khách tới thăm vườn. Tại bản Khanh, du khách được trải nghiệm, tìm hiểu đời sống, văn hoá, tri thức bản địa của cộng đồng, đi bộ, tắm và chèo mảng trên sông Bưởi, hoạt động giao lưu văn nghệ buổi tối, tham gia các lễ hội...
Hoạt động du lịch cộng đồng đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của cộng đồng; nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng, xác định rõ hơn vai trò của người dân trong hoạt động của vườn; giúp cộng đồng giữ gìn được một số nét văn hoá và một số nghề truyền thống; nâng cao dân trí thông qua việc giao tiếp với khách du lịch.
Với vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời, đa dạng sinh học phong phú và các hoạt động du lịch hấp dẫn, Vườn quốc gia Cúc Phương xứng đáng nhận được sự công nhận này. Vinh danh này là minh chứng cho sự cố gắng không ngừng của các cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển du lịch bền vững tại Cúc Phương.
Đỗ Hương (Theo Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận