Công nghiệp văn hóa tại TP Hồ Chí Minh đã phát triển xứng tầm?
Công nghiệp văn hóa đang được quan tâm, trong đó TPHCM được xác định là địa phương đóng vai trò “đầu tàu” phát triển công nghiệp văn hóa. Gần đây, TPHCM đã làm gì và chưa làm được gì? Đâu là điểm nghẽn cản trở công nghiệp văn hóa phát triển xứng tầm tại TPHCM?
Từ đánh giá tiềm năng, lợi thế, tính chất đặc thù cũng như năng lực cạnh tranh, TPHCM đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030, lựa chọn 8 lĩnh vực gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang.
Đề án được đưa ra từ tháng 10/2023 và nhắc lại tháng 7/2024, sau gần một năm quan sát, TS Hà Thanh Vân cho rằng TPHCM còn rất nhiều vấn đề tồn đọng chưa được thực hiện trong mọi lĩnh vực: “Có nghĩa gần một năm qua, nói thẳng là vẫn chưa có những hoạt động khởi sắc, hay nói cách khác là TPHCM vẫn dậm chân tại chỗ. Sự tháo gỡ khó khăn duy nhất có thể thấy là ở trong lĩnh vực điện ảnh. Nhân Liên hoan phim Quốc tế TPHCM 2024, TPHCM công bố chính sách sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp lĩnh vực điện ảnh vay tối đa 200 tỷ đồng trong 7 năm và không tính lãi suất. Nếu vay cao hơn 200 tỷ đồng thì mới phải tính lãi suất và có một bộ phân chuyên trách để phục vụ cho việc vay vốn này”.
Với đạo diễn Lê Thanh Phong, đã gọi là công nghiệp phải nhắc đến doanh thu, lợi nhuận, những nguồn lợi kinh tế. Chính vì thế, với một thành phố năng động như TPHCM thì quảng cáo và điện ảnh đang giữ thế thượng phong.
Ông Phong cho rằng, mỗi ngành đều có những thế mạnh riêng, và khi nói đến một ngành cũng không nhất thiết phải chính xác hoàn toàn, bởi mỗi ngành có những liên quan và ràng buộc nhau, như ngành quảng cáo vẫn phải sử dụng họa sĩ thiết kế đồ họa, diễn viên. Ngành điện ảnh lại cần quảng cáo, mỹ thuật, âm nhạc, thời trang… tiếp sức, cộng hưởng. Do đó, công nghiệp văn hóa có tính chất tổng hợp, tương tác, bổ trợ không thể tách rời của nhiều ngành… Theo đạo diễn Lê Thanh Phong: “Nói đến ngành nào phát triển để tập trung khai thác hoặc nói một ngành nào yếu để tìm cách khắc phục là việc làm manh mún, dẫn tới sự khập khiễng, không nhất quán đồng bộ”.
Đạo diễn Lê Thanh Phong nhận xét, gần đây ngành biểu diễn có những bước khởi sắc, các cuộc thi, liên hoan được mở rộng với các quy mô lớn nhỏ khác nhau. Nhưng việc này chưa tạo được hiệu quả mỹ mãn. Các hoạt động biểu diễn giao lưu có số lượng hơn những năm trước nhưng vẫn chưa xứng tầm một thành phố mạnh về văn hóa, đang vươn lên để hòa nhập trong khu vực và quốc tế:
“Các lễ hội nghệ thuật hoành tráng, quy mô hơn nhưng vẫn chỉ mạnh về hình thức, đẩy mạnh phần hiệu ứng, công nghệ, cần sự cân bằng giữa nội dung và hình thức, chiều rộng và chiều sâu, công nghệ và các giá trị văn hóa cốt tủy. Các nhà hát đang cố gắng hết sức để có thể có những buổi diễn, quảng bá cho tác phẩm. Họ còn có thể duy trì nhờ các hoạt động cho thuê cơ sở vật chất với các đơn vị đội nhóm ngoài hệ thống công lập. Còn với các nhóm tư nhân về nghệ thuật truyền thống thực sự rất khó khăn trong việc duy trì biểu diễn, họ phải tự làm nhiều khâu như tìm địa điểm biểu diễn, tìm tài trợ, phân phối vé…”.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển 8 lĩnh vực trong đề án bị dàn trải, trong khi cần nghiên cứu tập trung vào ngành thực sự là ưu điểm và mũi nhọn. Đạo diễn Lê Thanh Phong bày tỏ: “Tôi nghĩ TPHCM là một thành phố giàu tiềm lực, điều cần lúc này là đồng lòng chung sức vì mục đích lớn, nhìn rõ thế mạnh của mình và cả cái yếu, cái chưa được, đôi khi phải mạnh dạn tìm nhân tố mới trong đội ngũ sáng tạo, đãi ngộ các tài năng, các chính sách, thủ tục hành chính, thậm chí cách vận hành, cách tư duy cũng phải có những ứng biến tích cực theo nhu cầu thời đại cũng như hòa nhập khu vực và quốc tế”.
( Theo https://daidoanket.vn/cong-nghiep-van-hoa-tai-tp-ho-chi-minh-da-phat-tri...)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận