Cô giáo "say" điệu hát then
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang có Câu lạc bộ hát then, đàn tính (CLB) do cô giáo Bùi Thị Thu Hồng sáng lập và làm chủ nhiệm. Vốn là người con của mảnh đất Tuyên Quang, từ nhỏ, cô Hồng đã được tiếp xúc với hát then và đắm say với loại hình âm nhạc dân tộc này từ lúc nào không hay.
Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm âm nhạc tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương năm 1996, cô Hồng về Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang công tác. Năm 2010, nhận thấy nhiều em học sinh người dân tộc Tày, Nùng có năng khiếu hát then, chơi đàn tính, cô Hồng mạnh dạn đề xuất với Ban giám hiệu thành lập CLB và nhận được sự ủng hộ. “Tôi mong muốn bồi dưỡng và phát triển tài năng của các em, nếu đam mê, các em sẽ đi theo con đường nghệ thuật sau này, đồng thời sẽ góp phần bảo tồn và lan tỏa làn điệu hát then truyền thống”, cô Hồng cho biết.

Ban đầu, CLB được đầu tư một số cây đàn tính và có hơn 10 học sinh tham gia. Cô Hồng còn mời các nghệ nhân hát then gạo cội về giảng dạy, biểu diễn như nghệ nhân Hà Thuấn ở xã Tân An (huyện Chiêm Hóa), nghệ nhân Thàm Ngọc Kiến ở TP Tuyên Quang. Dần dần, CLB thu hút thêm nhiều học sinh tham gia; trong đó có cả những học sinh người dân tộc Cao Lan và Dao. Hiện nay, CLB đã có hơn 50 thành viên. Cô Hồng cho biết, do đặc thù là trường dân tộc nội trú nên nhiều học sinh một tuần hoặc một tháng mới về nhà một lần, nhiều em rất nhớ nhà. Vì vậy, CLB còn là nơi giao lưu làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho các em, giúp các em gắn kết hơn và vơi đi nỗi nhớ gia đình.
Để không ảnh hưởng tới việc học chính khóa trên lớp, cô Hồng chọn thứ bảy và chủ nhật hằng tuần là thời gian sinh hoạt của CLB. Đàn và trang phục biểu diễn cũng dần dần được đầu tư chuyên nghiệp. Nhiều học sinh từ chỗ nhút nhát, e dè, sau thời gian học hát then đã trở nên mạnh dạn, tự tin biểu diễn trước đám đông. Cô Hồng còn tự mình biên soạn những bài hát then mang hơi thở cuộc sống đương đại như: Tuyên Quang quê em, Mùa xuân ơn Đảng, Trong xanh Khuôn Pén...
Khi nhận thấy CLB đã phát triển, nhiều học sinh có năng khiếu và đam mê, cô Hồng tích cực kết nối để CLB tham gia các hội thi biểu diễn và giành được nhiều thành tích ấn tượng, như: Huy chương bạc Hội thi “Giai điệu tuổi hồng học sinh THPT” toàn quốc năm 2013 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; 6 huy chương vàng, 12 huy chương bạc tại nhiều kỳ Festival các trường dân tộc nội trú toàn quốc. Nhiều học trò của cô Hồng nay đã trở thành những nghệ sĩ trong lĩnh vực văn nghệ dân gian.
Em Ma Đình Anh Tuấn, học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang là thành viên CLB chia sẻ: “Học hát then và đánh đàn tính rất vui, chúng em được cô Hồng truyền dạy tỉ mỉ. Nhờ việc học, chúng em thêm yêu làn điệu của dân tộc mình và ý thức được việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống”.
Cô Hồng hiện vẫn ấp ủ những dự định riêng như tiếp tục duy trì và phát triển CLB, tìm hiểu về điệu Sình ca của dân tộc Cao Lan và điệu Páo dung của dân tộc Dao với mong muốn bảo tồn và lan tỏa những làn điệu dân gian đến với học sinh trong trường.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG
Theo https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/co-giao-say-dieu-hat-then-815355
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận