Chung tay gìn giữ di sản Hát Xoan trên quê hương đất Tổ
Sau khi Hát Xoan Phú Thọ chính thức được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả vừa bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản, vừa gắn với phát triển du lịch bền vững.
Hiện nay, tất cả các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều đang thực hiện tích cực mô hình "Trường học gắn với di sản". Đặc biệt, hai di sản là Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được biên soạn và đưa vào chương trình Giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ, theo chương trình Giáo dục phổ thông mới từ năm học 2021 - 2022 đã góp phần trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa truyền thống, lịch sử của dân tộc.
Tại Việt Trì, nơi có nhiều di tích và các làng Xoan cổ, Hát Xoan đã đến với học sinh các trưởng tiểu học bằng nhiều hình thức phong phú như: Mời nghệ nhân ở các phường Xoan gốc đến dạy học sinh trong giờ hoạt động giáo dục tập thể toàn trường; dạy học sinh hát Xoan trong giờ âm nhạc, trong các giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt đội. Đồng thời giáo viên các bộ môn đã chủ động tổ chức biên soạn tài liệu giảng dạy, lồng ghép những nội dung về nguồn gốc ra đời của di sản; giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, du lịch; kiến thức khoa học về môi trường, bảo vệ di sản... trong các tiết học.
Cùng với việc giảng dạy trong nhà trường, các trường còn tổ chức các hoạt động tham quan thực tế, các cuộc thi tìm hiểu về di sản; bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu đó. Đồng thời các trường phối hợp với Bảo tàng Hùng Vương tổ chức thí điểm mô hình “Giờ học Lịch sử” nhằm nâng cao chất lượng của giờ học lịch sử gắn với xu thế phát triển của bảo tàng hiện đại. Tại các lớp học này, các em học sinh được các hướng dẫn viên bảo tàng cùng các nghệ nhân Hát Xoan giới thiệu về lịch sử, về trang phục và trực tiếp thực hành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO ghi danh.
Cô giáo Lê Thị Việt An - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Công Nghiệp Việt Trì cho biết, việc lồng ghép nhiều hoạt động dạy học trên lớp với giáo dục di sản trong trường học đã góp phần đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn; góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, văn minh, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các em học sinh trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Việc tổ chức giờ học lịch sử ngay tại Bảo tàng Hùng Vương là minh chứng rõ nét nhất cho mô hình “Trường học gắn với di sản”. Qua đó đã tạo sự tương tác trực tiếp rất lớn giữa học sinh với giáo viên, cán bộ văn hóa, các nghệ nhân.
“Chúng tôi có những hoạt động cho các em tìm hiểu, đó là hoạt động giáo dục địa phương, có thời lượng để giảng dạy cho các em tìm hiểu tất cả những nội dung cơ bản nhất của Hát Xoan Phú Thọ. Chúng tôi có những giờ học lồng ghép ở trên lớp của những môn Lịch sử, Văn, Địa lý và hàng năm thì nhà trường đều có tổ chức các hoạt động để cho học sinh tìm hiểu và tham gia. Ngoài ra, chúng tôi còn có câu lạc bộ hát và âm nhạc", cô giáo Lê Thị Việt An nói.
Các phong trào tìm hiểu về Xoan, học Hát Xoan đã và đang diễn ra sôi nổi trong các trường học thể hiện tính hiệu quả, đúng đắn của chủ trương đưa Xoan vào trường học. Đó thực sự là tín hiệu vui trong việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa quý báu của nhân loại trong thế hệ trẻ. Qua đây, các em học sinh không chỉ được học hát mà còn biết nhận ra những giá trị văn hóa tinh thần to lớn kết tinh trong các làn điệu dân ca của quê hương Phú Thọ; và để các em thêm yêu, thêm tự hào quê hương, đất nước thông qua làn điệu hát truyền thống của dân tộc./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận