Bán kết, Tây Ban Nha - Pháp (2 giờ, ngày 10-7): Không thể và có thể
Đội tuyển Pháp đã “bò” vào bán kết bằng cách không thể tin được: Tự ghi đúng một bàn bằng sút phạt đền! Nhưng điều khó tin không kém là hàng hậu vệ cũng chỉ thủng lưới đúng một bàn cũng từ cú sút phạt đền! Liệu bức tường áo lam có đứng vững trước đội tuyển Tây Ban Nha đã ghi tới 10 bàn thắng cho tới thời điểm này?
Mọi nghịch lý vẫn có thể xảy ra với trái bóng tròn, khi mà chiến thắng là điều quan trọng, lối chơi có ra sao cũng mặc và điểm rơi phong độ cũng chỉ để tham khảo mà thôi.
Quá say mê lối chơi tấn công, mãn nhãn với những pha rê bóng như múa của “cặp cánh thiên thần” Yamal-Williams, người hâm mộ đôi khi quên mất hai cầu thủ quan trọng nhất của Tây Ban Nha lúc này, đó là Ruiz-Rodri. Huấn luyện viên Fuente để hai cầu thủ này đá cùng nhau ngay dưới vị trí hộ công. Hai anh tài này vừa đánh chặn vừa “chia bài”, thậm chí là Ruiz còn ghi tới tận 2 bàn thắng. Chính vì không cần kiểm soát bóng nhiều như trước, Tây Ban Nha dựa vào khả năng chuyền bóng cự ly trung bình của hai “nghệ sĩ” sang hai cánh. Và chủ yếu tấn công biên, dốc bóng thần tốc cho nên kể cả khi mất bóng, Tây Ban Nha cũng không cần lo bị tấn công vỗ mặt. Ruiz-Rodri chỉ cần giữ cự ly hợp lý, không dâng lên quá cao; nhường nhiệm vụ dứt điểm ở tuyến hai cho hộ công, khả năng cao là Olmo sẽ ra sân.
Vấn đề của Tây Ban Nha trong đại chiến của Pháp là mất những cầu thủ trụ cột vì thẻ phạt và chấn thương. Nếu vắng Pedri đã có Olmo thay thế, vắng Normand có Nacho trám chỗ; thì mối lo thực sự là vị trí Carvajal để lại khi mà Navas đã 38 tuổi.
Nhiều khả năng Deschamps sẽ xoay trở lại sơ đồ 4-3-2-1 quen thuộc để tấn công biên, khoét vào hai cánh của Tây Ban Nha. Vì thiếu nhân sự tạo đột biến ở vị trí hộ công và tiền đạo cắm nên bóng luân chuyển sang hai cánh, nhất là vị trí của Mbappe. Xem ra trong cuộc đua điền kinh nước rút này, người Pháp sẽ có lợi thế hơn.
Tất nhiên Pháp vẫn phải tiếp tục dựa vào hàng phòng thủ để củng cố mục tiêu đánh bại Tây Ban Nha. Đây là điều rất khác biệt trong suốt 12 năm cầm quyền của Deschamps. Những năm trước, Pháp sẽ lấy công bù thủ nhưng trong giai đoạn mà hậu vệ và tiền vệ (có xu hướng phòng ngự) đang thừa mứa, “Gà trống Gaulois” đang chơi thứ bóng đá “xấu xí”. Nhưng biết đâu chính là điều họ lại cần để tiến tới ngôi vương? Hai kỳ Euro gần nhất, đội hình Pháp cân bằng hơn, có nhiều cầu thủ sáng tạo và tấn công. Họ ép sân, lên bóng như muốn ăn tươi nuốt sống đối thủ nhưng rồi phung phí cơ hội, cộng thêm sự chủ quan, họ đã nhận những “cú tát đau đớn” như cách nói của Mbappe.
Một đội bóng chơi tấn công hay nhất từ đầu giải là Tây Ban Nha có thể sẽ không ghi nổi bàn thắng nào. Ruiz-Rodri cũng có thể bị khóa chặt bởi Kante, Rabiot quá già dơ. Và Tây Ban Nha cũng có thể không ngăn chặn nổi cơn lốc đường biên Mbappe. Một đội tuyển Pháp khan hiếm bàn thắng, cũng có thể sẽ bùng nổ ở chặng cuối như cách họ vẫn thường làm ở các giải đấu lớn gần đây.
HOÀNG HOÀNG
Theo https://www.qdnd.vn/the-thao/euro-2024/ban-ket-tay-ban-nha-phap-2-gio-ng...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận