"Âm vọng"- hơi thở mới của di sản cửu đỉnh
Ngày 8-12, triển lãm “Âm vọng - Từ Cửu đỉnh triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại” đã khai mạc tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sự kiện mang đến cho công chúng một góc nhìn mới mẻ và đậm chất nghệ thuật về di sản văn hóa đặc biệt của triều Nguyễn.
Triển lãm có sự tham dự của các đại biểu: PGS, TS Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cùng các đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân, đại diện các bảo tàng, trường mỹ thuật và các nghệ nhân gạo cội.
Phát biểu tại triển lãm, PGS, TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh: “Bộ sưu tập điêu khắc gỗ của PGS, TS Trang Thanh Hiền, sưu tập áo dài của nhà thiết kế Lan Vy và những họa tiết được thể hiện trên gốm Bát Tràng chính là sự nhận diện các giá trị văn hóa Cửu đỉnh, đồng thời cũng là sự sáng tạo giá trị văn mới ở các loại hình khác nhau”.
Triển lãm “Âm vọng - Từ Cửu đỉnh triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại” là kết quả từ dự án kéo dài hai năm của nhóm giảng viên và sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Dưới sự dẫn dắt của PGS, TS Trang Thanh Hiền, dự án đã thực hiện 81 bức tranh khắc gỗ được lấy cảm hứng từ hình mẫu 162 bức đúc đồng trên Cửu đỉnh. Điểm đặc biệt của các tác phẩm là sự kết hợp giữa kỹ thuật khắc gỗ dân gian với phong cách hiện đại, tạo nên một “đối thoại thẩm mỹ” giữa truyền thống và đương đại.
Bên cạnh đó, triển lãm còn mang đến một làn gió mới với sự tham gia của các nghệ nhân gốm sứ Bát Tràng danh tiếng như Nguyễn Tiến Đạt, Phùng Tiến Thanh. Lần đầu tiên, những họa tiết tinh xảo trên Cửu đỉnh triều Nguyễn được tái hiện một cách sinh động trên những chiếc ấm chén, bộ đồ ăn hằng ngày bằng gốm sứ vẽ tay Phúc Lai Thành, tạo nên một sự kết hợp độc đáo giữa cổ điển và hiện đại.
Cùng với những ý tưởng thiết kế độc đáo của nhà thiết kế thời trang Nguyễn Thị Ngọc Lan, thương hiệu thời trang LanV.Designs đã cho ra đời những chiếc áo dài, đầm tiệc trên chất liệu nhung lụa truyền thống, được thêu tay chỉ tơ óng ả lung linh sắc màu, sang trọng và quý phái được kế thừa những họa tiết cung đình xưa. Tất cả như một bản hòa tấu, đem đến cho công chúng những cách nhìn khác về di sản.
Chia sẻ về ý nghĩa của dự án, PGS, TS Trang Thanh Hiền, chủ nhiệm dự án, cho biết: “Dự án không chỉ quảng bá Cửu đỉnh như một di sản văn hóa mà còn sáng tạo thêm giá trị mới. Chúng tôi muốn đưa hình ảnh Cửu đỉnh ra khỏi không gian cố định, đến gần hơn với công chúng”.
Triển lãm “Âm vọng - Từ Cửu đỉnh triều Nguyễn đến sáng tạo đương đại” kéo dài đến hết ngày 20-12-2024. Đây không chỉ là một sự kiện nghệ thuật mà còn là một hành trình khám phá di sản văn hóa Việt Nam theo một góc nhìn hoàn toàn mới. Qua triển lãm, công chúng được chiêm ngưỡng, trải nghiệm những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và có thêm những góc nhìn phong phú về nét đẹp văn hóa Việt.
MAI ANH
Theo https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/am-vong-hoi-tho-moi-cua-di-san-cuu-...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận