Chiều 11/1, Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình về phương án quy hoạch đường kết nối đường Hồ Chí Minh với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến đường Đông - Tây tỉnh Ninh Bình) và khả năng mở rộng vùng trồng cây ăn quả (cây dứa) của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành chức năng, đại diện các doanh nghiệp. Về phía tỉnh Hòa Bình có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy tặng quà lưu niệm Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình.
Đường kết nối đường Hồ Chí Minh với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến đường Đông - Tây tỉnh Ninh Bình) có đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Hòa Bình dài khoảng 18,7km (từ xã Lạc Thịnh đến xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy), hướng tuyến đã được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1648/QĐ-TTg, ngày 20/12/2023. Đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Ninh Bình dài 4,3km thuộc địa bàn xã Văn Phong, huyện Nho Quan. Quy mô đầu tư xây dựng hoàn thiện theo quy hoạch với bề rộng nền đường 70m, vận tốc thiết kế 100km/h; tổng mức đầu tư khoảng 5.022 tỷ đồng, trong đó tỉnh Hòa Bình trên 4 nghìn tỷ đồng, tỉnh Ninh Bình 1 nghìn tỷ đồng.
Về khả năng mở rộng vùng trồng dứa của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao theo đề xuất của tỉnh Ninh Bình, số liệu thống kê năm 2023, diện tích dứa tỉnh Hòa Bình có 41,93 ha, diện tích cho sản phẩm 41,27 ha; năng suất bình quân 16 tấn/ha, sản lượng đạt 668 tấn. Chủ yếu trồng tại các huyện: Yên Thủy, Lạc Sơn, Lạc Thủy; trong đó có một số diện tích hộ gia đình ký hợp đồng liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Với giá tiêu thụ bình quân đạt 12.000 đồng/kg, mỗi ha trồng dứa có thể cho thu nhập trên 190 triệu đồng/năm. Căn cứ bản đồ thổ nhưỡng và phân tích thích nghi đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được phê duyệt, có nhiều diện tích phù hợp để phát triển cây dứa. Đặc biệt một số huyện như: Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi có thể phát triển vùng nguyên liệu đạt 1.000 - 1.500 ha.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai tỉnh cùng các sở, ngành chức năng thảo luận, thống nhất chủ trương, cơ chế đầu tư và giao UBND hai tỉnh phối hợp, triển khai hợp tác đối với quy hoạch đường giao thông kết nối, trên cơ sở mang lại lợi ích cho cả hai địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH hai tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình. Đồng thời cho ý kiến triển khai mở rộng vùng cây ăn quả (cây dứa). Theo đó, để phát triển vùng nguyên liệu dứa thực chất, hiệu quả, tỉnh Hòa Bình đề nghị Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình nghiên cứu khảo sát chi tiết địa bàn, tính chất đất đai, triển khai đầu tư, tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ thuật cho người dân, xây dựng thành đề án, kế hoạch làm căn cứ để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, triển khai, chỉ đạo.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình ghi nhận kết quả làm việc của hai tỉnh. Thời gian tới, đề nghị các cơ quan tham mưu hai tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện có hiệu quả nhằm mục tiêu tăng cường kết nối vùng, đẩy mạnh tổ chức sản xuất, kết nối hợp tác trong nông nghiệp…
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy hy vọng hai tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình sẽ tăng cường kết nối và khai thác có hiệu quả tiềm năng chung là địa phương giáp ranh, lân cận; phối hợp triển khai hiệu quả đường kết nối vùng. Đối với phát triển vùng nguyên liệu, giao Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình là đầu mối phối hợp với các huyện, thành phố, doanh nghiệp lựa chọn vùng thực hiện thí điểm; cơ cấu lại mô hình tổ hợp tác để tăng tính liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực du lịch, thực hiện khảo sát, nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện hợp tác tuyến du lịch trên địa bàn huyện Lạc Thủy…
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận