Chiều 21/2, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức họp đánh giá tình hình dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, định hướng truyền thông, phát triển phục hồi KT-XH trong giai đoạn tới. Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, một số địa phương trong tỉnh.
Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp.
Theo Sở Y tế, tính đến 16h ngày 20/2, toàn tỉnh ghi nhận 1.797 ca mắc mới Covid-19. Các địa phương có số ca mắc cao là TP Hòa Bình (496 ca), huyện Lương Sơn (278 ca), Kim Bôi (243 ca). Trong đó, 1.418 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng; 379 trường hợp đã được cách ly trước đó; 595 trường hợp dưới 18 tuổi, 1.139 trường hợp trong độ tuổi từ 18 - 65, 63 trường hợp trên 65 tuổi. Toàn tỉnh có 2.682 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở điều trị và thu dung, trong đó, 771 trường hợp bệnh nhân không triệu chứng, 1.848 bệnh nhân nhẹ, 22 bệnh nhân trung bình, 29 bệnh nhân cần thở oxy qua mask, 12 trường hợp phải thở máy; 210 bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện. Có 8/10 địa phương trên địa bàn tỉnh đã áp dụng hình thức quản lý F0 tại nhà. Số bệnh nhân đang được quản lý tại nhà là 6.953 trường hợp. Toàn tỉnh đã tiêm được 1.590.640 mũi vắc xin phòng Covid-19, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 mũi cho đối tượng trên 18 tuổi đạt 99,98%, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 mũi cho đối tượng trẻ em từ 12 - 17 tuổi đạt 99,02%. Tính đến ngày 19/2, tỉnh ghi nhận 47 trường hợp tử vong do Covid-19 tại 7/10 huyện, thành phố.
Số ca mắc mới hàng ngày có xu hướng tăng nhanh, bình quân trong 7 ngày qua là 1.195ca/ngày. Dự báo thời gian tới tiếp tục tăng cao, kéo theo đó là quá tải hệ thống y tế nói riêng và các lĩnh vực khác. Tại hầu hết các địa phương đang xảy ra tình trạng thiếu vật tư PCD, đặc biệt là kít test nhanh để sàng lọc, chuẩn đoán, phát hiện người mắc Covid-19. Bên cạnh đó, số lượng người tự theo dõi, điều trị tại nhà quá nhiều nên chưa được tư vấn, hỗ trợ kịp thời; kinh phí phục vụ công tác PCD còn thiếu; nhân lực tham gia PCD, nhất là cấp cơ sở rất mỏng; các trạm y tế lưu động gặp khó khăn trong hoạt động; tình trạng thiếu nhân lực, vật lực y tế…
Các đại biểu đã phân tích rõ tình hình cứu chữa bệnh nhân nặng tại các cơ sở y tế; báo cáo tình hình PCD tại các địa phương, đơn vị, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp để thực hiện "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Thời gian tới, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với biến chủng mới Omicron lây lan nhanh và rộng. Do đó, phải có các giải pháp an toàn, hiệu quả để PCD bệnh. Các địa phương rà soát nắm rõ đối tượng chưa tiêm vắc xin, triển khai quyết liệt tiêm chủng; đồng thời phân loại ca bệnh để có phương án điều trị hiệu quả. Nâng cao năng cơ sở y tế điều trị cho các ca mắc Covid-19 ở thể nặng, nghiên cứu thành lập bộ phận tư vấn, hỗ trợ điều trị Covid-19 tại các cơ sở y tế để phục vụ công tác PCD hiệu quả. Ngành Y tế tham mưu có phương án điều trị F0 tại nhà với bệnh nhân ở thể nhẹ hoặc không triệu chứng…
L.C (Nguồn HBĐT)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận