Các lực lượng chức năng rà soát, xác định khu vực có nguy cơ sạt lở đất rất cao tại xóm Má 2, xã Bắc Phong (Cao Phong).
Điển hình tại huyện Đà Bắc, từ 19h00 ngày 6/9 đến 15h00 ngày 8/9, trên địa bàn huyện có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa đo được từ các trạm đo mưa tự động Tân Pheo lên tới 368,8 mm, trạm Cao Sơn 342,6 mm. Trên toàn huyện, tổng lượng mưa đo được từ đêm 7/9 đến sáng 8/9 khoảng 40 - 70 mm, cao nhất đo được tại địa bàn xã Tân Minh (63,6 mm) và Cao Sơn (61,2 mm). Với lượng và thời gian mưa này, độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc địa bàn huyện - trong đó có các khu vực chạy dọc đường tỉnh 433 đã gần bão hòa (trên 80%) hoặc đạt trạng thái bão hòa (trở thành bùn đất). Nguy hiểm hơn, đây lại là các khu vực có địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn.
Trên thực tế, nguy cơ đã biến thành sự thật khi ghi nhận vào sáng 8/9, trên tuyến đường tỉnh 433 đoạn từ xã Hòa Bình (thành phố Hòa Bình) đến thị trấn Đà Bắc và đi hết địa bàn xã Tân Minh đã có trên 15 điểm sạt lở đất. Khối lượng đất đồi khá lớn sạt lở tràn ập xuống mặt đường 433 gây ách tắc giao thông hàng tiếng đồng hồ. Thương tâm nhất là vụ sạt lở đất vào nhà dân thuộc địa phận xóm Chầm, xã Tân Minh gây thiệt mạng 4 người trong 1 gia đình. Đó là hồi chuông cảnh báo mức độ đặc biệt nguy hiểm của sạt lở đất, đòi hỏi các cấp chính quyền và lực lượng chức năng khẩn cấp vào cuộc để ứng phó, kiểm soát nguy cơ thiên tai gây ra.
Mưa to kéo dài khiến lượng lớn đất, đá sạt trượt xuống mặt đường 433 địa phận xóm Rằng, xã Cao Sơn (Đà Bắc).
Trên phạm vi toàn tỉnh, từ đêm 7/9 đến khoảng 16h00 ngày 8/9, nhiều nơi đã xuất hiện tình trạng sạt lở đất. Có điểm lượng đất, đá lên tới hàng trăm m3 đổ tràn xuống vùi lấp mặt đường gây ách tắc giao thông, chia cắt, cô lập nhiều địa bàn. Điển hình như ở xóm Cạn Thượng, xã Hợp Phong (Cao Phong); các xóm Chiềng An, Hiềng, Nà Lụt của xã Thành Sơn (Mai Châu); xóm Rằng, xã Cao Sơn (Đà Bắc)... Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các địa bàn có lượng mưa cao nhất cũng chính là những nơi có nguy cơ bị sạt lở đất trong và sau mưa bão. Với lượng mưa đã tích tụ thời gian qua cộng với diễn biến mưa tiếp tục kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 thời gian tới, độ ẩm đất tại nhiều khu vực thuộc các huyện: Lạc Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn, Cao Phong, thành phố Hòa Bình, đặc biệt là 2 huyện vùng cao Đà Bắc và Mai Châu đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái bão hòa. Do đó, hiển hiện nguy cơ sạt lở đất rất cao.
Được biết, Sở NN&PTNT đã rà soát các khu vực xung yếu có nguy thiên tai cao. Qua rà soát đã xác định trên địa bàn tỉnh có khoảng 135 điểm dân cư nguy cơ thiên tai cao với khoảng 6.000 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai, trong đó có 85 điểm được xác định là khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn với 3.376 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng. Căn cứ kết quả rà soát và thực tế tình hình thiên tai những ngày qua, cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng nguy cơ sạt lở đất tại nhiều địa bàn, đặc biệt là tại các vùng có nhiều đồi, núi và độ dốc lớn, cũng đồng thời là các địa bàn có lượng mưa đo được ở mức rất cao trong những ngày qua.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống, ứng phó với mưa lũ. Cùng với việc đẩy mạnh các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, các địa phương cần thường xuyên thông báo đến người dân tình hình mưa lũ để chủ động phòng, tránh. Đặc biệt, chú trọng rà soát, đánh giá mức độ an toàn của các khu vực sinh sống; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện các điểm đứt gãy, có nguy cơ sạt lở cao để chủ động di dời người dân đến khu vực đảm bảo an toàn; tổ chức đội xung kích trực 24/24h hướng dẫn giao thông và hỗ trợ người dân tại các điểm sạt lở… Các hoạt động cần được triển khai với nỗ lực cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Khánh An (Theo HNĐT)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận