Quy hoạch tỉnh xác định phát triển du lịch lòng hồ Hoà Bình gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
Ngày 2/4/2021, tỉnh quyết định thành lập BCĐ công tác lập QHT do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng BCĐ. BCĐ đã ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCĐ, ngày 29/4/2021, trong đó nêu rõ công tác lập QHT được phân chia thành 5 giai đoạn: Giai đoạn 1: Thu thập dữ liệu và đánh giá hiện trạng. Sản phẩm là: Đánh giá thực trạng, khoanh vùng các vấn đề trọng tâm và nhiệm vụ tạo đột phá; cấu trúc và đề cương sơ bộ của QHT. Giai đoạn 2: Lập báo cáo quy hoạch. Sản phẩm là: Báo cáo QHT. Giai đoạn 3: Tổ chức thảo luận thống nhất báo cáo QHT. Sản phẩm là QHT. Giai đoạn 4: Rà soát, điều chỉnh báo cáo QHT. Sản phẩm là Báo cáo QHT, hệ thống sơ đồ, bản đồ, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và bộ cơ sở dữ liệu về tỉnh Hòa Bình sau khi được thông qua bởi BCĐ lập QHT và Hội đồng thẩm định QHT. Giai đoạn 5: Trình phê duyệt QHT theo quy định tại Điều 35, Luật Quy hoạch. Sản phẩm là QHT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Thường trực BCĐ, đến thời điểm này, tỉnh đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 2 lập QHT với sản phẩm là báo cáo QHT với một số nội dung, mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đến năm 2030, kinh tế tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Tỉnh đang tập trung thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp có thực lực đầu tư, phấn đấu đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước. Trong quá trình thực hiện QHT có những khó khăn như: Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng chưa phê duyệt. Việc lập đồng thời các quy hoạch cũng gây khó khăn trong quá trình triển khai do thiếu thông tin, dữ liệu, khung định hướng và gây ra rủi ro về mâu thuẫn, chồng chéo của các cấp, các ngành, dẫn đến rủi ro, lãng phí, khó triển khai và phải điều chỉnh nhiều lần sau phê duyệt ở các quy hoạch cấp dưới. Việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp trong một bản quy hoạch tỉnh (thay thế cho khoảng 50 loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trước đây), cùng với việc tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực còn có cách hiểu khác nhau.
Để QHT có chất lượng, tầm nhìn, bảo đảm các quy định của pháp luật, BCĐ tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ cung cấp số liệu chi tiết, cụ thể, chính xác cho đơn vị tư vấn quy hoạch.
Xác định rõ đồ án QHT là sản phẩm quy hoạch do các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh lập, vì vậy phải chịu trách nhiệm rà soát, chỉnh lý, cung cấp số liệu, định hướng ngành, lĩnh vực và các nội dung khác có liên quan...; độ chính xác trong đồ án quy hoạch là do các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cung cấp số liệu, đơn vị tư vấn quy hoạch chỉ hỗ trợ, tổng hợp và nâng tầm quy hoạch lên, vì vậy yêu cầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình cung cấp số liệu cần bám sát Luật Quy hoạch, nhiệm vụ đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, các quy hoạch hiện trạng trên địa bàn tỉnh và các quy định khác có liên quan, trong đó chú trọng 4 đột phá chiến lược, đặc biệt là chiến lược về quy hoạch, gắn với phương châm của tỉnh "xanh, xanh hơn, xanh hơn nữa”. Quy hoạch du lịch cần thể hiện lợi thế, thế mạnh của tỉnh về vị trí, môi trường, văn hoá và trọng tâm là hồ Hoà Bình, các khu vực chiến lược về du lịch như suối khoáng Kim Bôi, Yên Thuỷ; gắn với homestay, hoạt động ngoài trời, thủ phủ sân golf của cả nước, thế mạnh về rừng, tracking, trải nghiệm, các hoạt động đạp xe, cuộc thi ẩm thực, người đẹp xứ Mường, múa xòe Thái, khinh khí cầu, dù lượn, các khu ruộng bậc thang...
Phát triển du lịch với mục tiêu Hòa Bình trở thành địa điểm nghỉ dưỡng đẳng cấp không chỉ trong nước mà còn trong khu vực, quốc tế, tuy nhiên cần gắn với việc bảo vệ môi trường, phát triển hệ thống giao thông, điện, nước sạch, nước thải, rác, viễn thông, nguồn nhân lực chất lượng cao, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí.
Đối với quy hoạch công nghiệp cần xác định được lợi thế của tỉnh là nguồn nhân lực dồi dào lại giáp Hà Nội, có thể thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao từ vùng Thủ đô, vì vậy có thể phát triển vật liệu xây dựng chuyên về nội thất (vùng rừng Lạc Thủy, Yên Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn, liên hệ với các vùng giáp ranh như: Thanh Hóa, Hà Nam, Ninh Bình). Mặt khác cần đánh giá được khó khăn, hạn chế của tỉnh là xa bến cảng và không gần sân bay, vì vậy ưu tiên phát triển theo hình thức công nghiệp phụ trợ nhằm tận dụng vị trí và nguồn nhân lực sẵn có. Về thu hút đầu tư chú trọng các tiêu chí thu hút dự án có hiệu quả, tạo việc làm, thu ngân sách Nhà nước gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
Quy hoạch nông nghiệp cần quy hoạch tỉnh là vùng cấp thực phẩm xanh, sạch, giá cả phải chăng, sơ chế sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, cung cấp cho địa bàn TP Hà Nội, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng...
Tỉnh uỷ giao Sở KH&ĐT (cơ quan thường trực BCĐ QHT) chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị tham mưu giúp BCĐ hoàn thiện quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất ngày 31/8/2022.\
Lê Chung (Nguồn HBĐT)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận