Nâng cao chất lượng công tác tham mưu trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh của dân
Thông qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp Đảng, Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống thực tiễn, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để lãnh đạo, chỉ đạo. Cụ thể như: Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tiếp Công dân năm 2013; Luật Tố cáo năm 2018; Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân...
Trên cơ sở các văn bản của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan tham mưu giúp Thường trực Tỉnh ủy xây dựng các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo đúng quy định. Cụ thể đã tham mưu ban hành: Quy định số 45-QĐ/TU, ngày 28/02/2020 về tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cá nhân các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy; Quy chế số 09-QC/TU, ngày 01/7/2019 về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân trên địa bàn tỉnh; Quy định số 16-QĐ/TU, ngày 08/03/2022 về tiếp công dân định kỳ của Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.
Từ năm 2019 đến tháng 12/2023, các cấp uỷ, chính quyền trong tỉnh đã tổ chức các đợt tuyên truyền Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và Luật Phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hình thức: 72 cuộc tuyên truyền với 6.244 lượt người tham gia; 1.187 hội nghị với 99.940 lượt người tham gia; phát hàng nghìn tờ rơi về pháp luật khiếu nại, tố cáo, trong đó có các nội dung tuyên truyền, quán triệt Quy định số 11-Qđi/TW của Bộ Chính trị. Thông qua công tác tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và mỗi cán bộ, công chức, viên chức về vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, đồng chí Bí thư cấp uỷ các cấp đã trực tiếp tiếp các đoàn công dân theo quy định. Từ năm 2019 đến tháng 12/2023, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tiếp công dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh cùng các đơn vị liên quan tham mưu, giúp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tổ chức 45 kỳ tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh; có hơn 225 lượt công dân đến gửi đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, phản ánh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp tiếp 3 kỳ với 6 lượt công dân; các đồng chí Bí thư cấp ủy cấp huyện, cấp xã đã tổ chức 8.472 cuộc tiếp dân định kỳ với 272 lượt công dân và 78 cuộc tiếp dân đột xuất với 78 lượt công dân. Trong đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tiếp 45 cuộc theo định kỳ/2 lượt công dân; các đồng chí Bí thư cấp huyện tiếp 415 cuộc định kỳ/47 lượt công dân, tiếp đột xuất 26 cuộc/26 lượt công dân; các đồng chí Bí thư cấp xã tiếp 8.012 cuộc/223 lượt công dân, tiếp đột xuất 52 cuộc/52 lượt công dân. Số đoàn đông người được tiếp là 37 đoàn (cấp huyện 26 đoàn, cấp xã 11 đoàn).
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy đã tiếp nhận 1.442 đơn, trong đó 418 đơn tố cáo, 114 đơn khiếu nại, 910 đơn kiến nghị, phản ánh và đơn khác; đã chuyển 479 đơn đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, hướng dẫn và lưu 963 đơn (do đơn gửi nhiều lần, không có tình tiết mới, trùng với đơn đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết; đơn gửi nhiều cơ quan, đơn vị, trong đó gửi đúng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết). Trong 479 đơn chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã có kết quả của 446 đơn, đạt 93,2%; 33 đơn đang trong quá trình xem xét, giải quyết, chiếm 6,8%. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy xã, phường, thị trấn tiếp nhận 1.900 đơn thư các loại, trong đó đã giải quyết dứt điểm 1.870 đơn, không còn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, đạt 98,4%; 30 đơn đang giải quyết, chiếm 0,6%.
Qua công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những kiến nghị của dân của đồng chí Bí thư cấp ủy các cấp đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, tạo được lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Qua đó, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện tiếp dân, đối thoại với dân của một số cấp ủy vẫn còn nhiều hạn chế. Việc phân loại, xử lý đơn thư, xác định đúng thẩm quyền xử lý, giải quyết còn lúng túng. Việc nắm tình hình, đôn đốc, theo dõi kết luận, ý kiến chỉ đạo giải quyết các vụ việc của đồng chí Bí thư cấp ủy có vụ việc chưa sát sao, kịp thời. Chế độ thống kê, báo cáo chưa đảm bảo tiến độ, thời gian theo quy định; chưa có hướng dẫn cụ thể, khoa học. Trách nhiệm của một số cơ quan trong giải quyết và phối hợp giải quyết các vụ việc, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài chưa được quan tâm đúng mức. Việc hướng dẫn quy trình tiếp dân, đối thoại; quy trình tiếp nhận xử lý đơn thư, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát còn chậm, chưa có hướng dẫn cụ thể.
Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân trong thời gian tới, cấp uỷ các cấp cần tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Một là: Người đứng đầu cấp ủy các cấp phải tập trung nhiều hơn cho việc đối thoại, tiếp dân, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của dân. Chấp hành nghiêm các quy định về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là quy định về thời gian tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Phát huy dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ nhằm hạn chế phát sinh phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên đề về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo ở các cấp, ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác này, không để xảy ra tình trạng người tố cáo bị trả thù, trù dập.
Hai là: Xây dựng bộ tài liệu tập huấn chung trong toàn tỉnh về nội dung tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.
Ba là: Tăng cường sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo nói riêng. Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Hoàn thiện bộ máy, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng chuyển đổi số trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phát huy trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng trong định hướng dư luận xã hội và hỗ trợ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bốn là: Xây dựng Quy trình tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân.
Năm là: Xây dựng văn bản đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những kiến phản ánh, kiến nghị của dân.
Vũ Duyên (Ban Nội chính Tỉnh uỷ Hoà Bình)
( Theo HBĐT)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận