Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ban Dân tộc tỉnh
Ngày 7/8, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ban Dân tộc tỉnh (8/8/2003 - 8/8/2023). Đến dự có các đồng chí: Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên Ủy viên BCH T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Văn Hon, Bùi Văn Tỉnh; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh...
Năm 2003, sau hơn 10 năm tái lập tỉnh, trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho công tác dân tộc trong thời kỳ mới, UBND tỉnh Hòa Bình đã trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 164/2003/QĐ-TTg, ngày 8/8/2003 về việc thành lập Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Hòa Bình (nay là Ban Dân tộc).
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh luôn đồng hành cùng Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng phát triển KT-XH, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc tỉnh.
Ban Dân tộc đã chủ động, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rà soát, xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển KT-XH khu vực khó khăn. Tham mưu ban hành, thể chế các văn bản của T.Ư giải quyết những vấn đề căn cơ, cấp thiết của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đồng bào DTTS ở những khu vực đặc biệt khó khăn.
Nhờ hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, đến hết năm 2022, tỉnh Hòa Bình đã có 8 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn và được công nhận về đích xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm còn 13,11%. Đời sống của Nhân dân được cải thiện, văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS được bảo tồn, giữ gìn và phát triển.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương thành tích của các thế hệ cán bộ làm công tác dân tộc trong 20 năm qua. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Ban Dân tộc tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động, tích cực tham mưu Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động cụ thể. Tham mưu chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Ðề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Huy động nguồn lực, có giải pháp hợp lý về vốn để tập trung đầu tư củng cố, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng cường chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, phát triển các sản phẩm đặc sản, dịch vụ du lịch. Tạo sinh kế phát triển bền vững, góp phần giảm chênh lệch về mức sống giữa các dân tộc, các vùng trong tỉnh và cả nước. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, chú trọng giữ gìn bảo tồn, phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, gắn kết việc bảo tồn văn hóa dân tộc với các phong trào thi đua, phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương; vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống. Hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người DTTS, tập trung đa dạng hóa loại hình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cơ sở; tăng cường kỹ năng phát triển cộng đồng, có chiến lược phát triển lâu dài cho công tác cán bộ là người DTTS; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ người DTTS. Xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, củng cố an ninh nông thôn vùng DTTS; phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc kiểm tra, giám sát, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận