Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, ngày 17/1/2024, tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện Đề án. Ngay sau khi ban hành Đề án, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với Báo Hòa Bình, Đài PT&TH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Đề án; các giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”. Các sở, ban, ngành, 10 huyện, thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) vật thể, phi vật thể dân tộc Mường được quan tâm. Trong đó đang triển khai công tác đầu tư xây dựng Quy hoạch xây dựng các hạng mục trong khu bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc. Phối hợp với Viện Âm nhạc và các tỉnh, thành phố đã hoàn thiện bộ hồ sơ khoa học DSVH Mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ đệ trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tiến hành kiểm kê, sưu tầm DSVH phi vật thể của dân tộc Mường. Về bảo tồn và phát huy nền "Văn hóa Hòa Bình”, đã hoàn thiện hồ sơ khoa học Di tích hang xóm Trại và Mái đá Làng Vành, huyện Lạc Sơn, trình Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quy định…
Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án còn gặp một số khó khăn, vướng mắc: Một số loại hình DSVH dân tộc Mường có nguy cơ mai một, thất truyền. Nhiều di sản có giá trị chưa được đầu tư nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, kinh phí hạn hẹp; công tác đầu tư, tuyên truyền, quảng bá nền "Văn hóa Hòa Bình” còn hạn chế… Đồng thời đề xuất xin chủ trương thành lập Trung tâm nghiên cứu về DSVH dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” của tỉnh; chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố tham mưu xây dựng, ban hành cơ chế chính sách, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá; đầu tư cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”…
Tại hội nghị, lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã công bố Quyết định thành lập BCĐ triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng BCĐ Đề án; Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ Đề án là đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phó trưởng BCĐ Đề án là đồng chí Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; thành viên BCĐ là lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Các đại biểu đã thảo luận, góp ý thông qua Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ các thành viên BCĐ Đề án; đề xuất thành lập Tổ tư vấn, Tổ giúp việc BCĐ Đề án.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ Đề án nhấn mạnh: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của T.Ư và của tỉnh, Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030 đã được triển khai thực hiện bài bản. Việc thành lập BCĐ Đề án là cần thiết, quan trọng để triển khai thực hiện các phần việc. Xác định quan điểm bảo tồn các giá trị văn hóa để phát triển du lịch. Người dân là chủ thể trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp, đặc sắc gắn với xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Biến giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" trở thành tài sản phát triển; việc đầu tư cần phù hợp với quy hoạch.
Khẳng định việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ lâu dài, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Các thành viên BCĐ, các ngành, huyện, thành phố cần xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc. Tập trung xây dựng Di tích quốc gia đặc biệt đối với quần thể hang động và danh lam thắng cảnh chùa Tiên, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy). Các thành viên BCĐ Đề án căn cứ nhiệm vụ được giao tập trung triển khai thực hiện. Các huyện, thành phố thành lập BCĐ triển khai thực hiện Đề án; các sở, ngành, MTTQ và các đoàn thể xây dựng kế hoạch triển khai Đề án. Việc thành lập Tổ tư vấn lựa chọn các thành viên có chuyên môn sâu, kinh nghiệm ở cả T.Ư và địa phương, nghệ nhân, người có uy tín. Tổ giúp việc nắm vững chuyên môn trong công tác tham mưu thực hiện Đề án. Có cơ chế, chính sách phù hợp đầu tư triển khai thực hiện Đề án.
Hương Lan
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận