Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh
và các đại biểu tham dự phiên thảo luận tổ tại điểm cầu của tỉnh.
Theo dự thảo Nghị quyết, chính sách tài khóa tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng lao động thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 – 7%/ năm giai đoạn 2021 – 2025. Phục hồi phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là ngành, lĩnh vực quan trọng, tiết giảm chi phí. Đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế. Dự thảo nghị quyết đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tổng quy mô giải pháp tài khóa là 291 nghìn tỷ gồm: tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp ngân sách Nhà nước là 240 nghìn tỷ đồng; bố trí từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 khoảng 6,6 nghìn tỷ để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 6 nghìn tỷ đồng thông qua việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022; tăng thêm tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng CSXH để cho vay ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên… Nghị quyết đề xuất 6 nhóm giải pháp tiền tệ và 2 nhóm giải pháp khác, phương án huy động nguồn lực và các cơ chế đặc thù đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các dự án hạ tầng chiến lược quan trọng, có quy mô vốn lớn thuộc chương trình.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH tỉnh cơ bản đồng tình về nội dung, sự cần thiết cần ban hành Nghị quyết. Bên cạnh đó, các đại biểu đề xuất một số nội dung liên quan đến sự phù hợp của Chính sách tài khóa đối với các chương trình tổng thể, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và giải pháp để thực hiện chính sách tài khóa tiến tệ phục hồi chương trình phục hồi phát triển KT – XH một cách kịp thời, phát huy được hiệu quả. Cụ thể, đại biểu Hoàng Đức Chính cho rằng: Chính phủ cần tính đến sự đồng bộ của Nghị quyết so với những chủ trương của Đảng và những Nghị quyết mà quốc hội đã ban hành. Cụ thể là so với kế hoạch phát triển KT – XH 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và những kế hoạch liên quan đến vấn đề vay và trả nợ vay của Nhà nước, vấn đề liên quan đến kế hoạch tài chính quốc gia. Bởi vì trong mục tiêu của Nghị quyết nêu rõ đảm bảo đặt trong tổng thể kế hoạch phát triển KT – XH 5 năm. Đây là chương trình ban hành riêng nhưng cần có mối tương quan giữa gói kích thích khôi phục, phát triển KT – XH với những nội dung đã được ban hành để đảm bảo có sự đồng bộ. Đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ khi tung ra gói kích thích kinh tế cần xác định rõ, cụ thể những mục tiêu sẽ đạt được khi thực hiện chính sách này. Về các nhóm giải pháp, đại biểu cho rằng, đối với giải pháp về an sinh xã hội cần đúng đối tượng, đúng mục tiêu nội dung mà gói kích thích hướng tới, tránh việc nguồn lực bị phân tán và bị dồn vào kênh đầu tư phản ánh không đúng thực tế.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị: Nghị quyết cần phân tích đánh giá rõ hơn mục tiêu tổng quát của chính sách tài khóa tiền tệ sự tác động của chính sách và mục tiêu cụ thể cần phân tích rõ theo từng năm để từ đó có kế hoạch, chương trình, giải pháp tổng thể thực hiện và trong 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần phân tích rõ cụ thể, chi tiết để thấy rõ được khi thực hiện chính sách sẽ có tác động như thế nào và giải pháp này sẽ đạt được những hiệu quả ra sao.
Theo đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Chính phủ cần làm rõ hơn các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn của các dự án. Nhất là đối với cơ chế cho phép chủ đầu tư khai thác các mỏ khoáng sản vì thực tế thủ tục cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản rất dài, phức tạp trong khi thời điểm thực hiện chính sách chỉ trong 2 năm và việc phân cấp, phân quyền bố trí nguồn vốn cho UBND cấp tỉnh có năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện các đoạn tuyến/ dự án đường cao tốc qua địa bàn theo hình thức đầu tư công phải tính toán kỹ để phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư.
Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến thảo luận tại phiên họp, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí nội dung dự thảo Nghị quyết, sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết. Đồng chí đồng tình cần có những giải pháp đặc biệt để gói kích cầu mang lại hiệu quả. Chính phủ cần có sự rà soát, đưa ra giải pháp giải ngân nhanh nguồn vốn. Đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH quan ngại, vướng mắc nhất hiện nay chính là công tác cải cách thủ tục hành chính, giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, đồng chí lưu ý những phản ứng phụ đi kèm khi đưa ra thực hiện chính sách như nguy cơ lạm phát cao, nợ xấu, an ninh tiền tệ... vì vậy cần phải tính toán kỹ giải pháp, cơ chế đặc thù để thực hiện chính sách một cách hiệu quả.
Đ.H (Nguồn HBĐT)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận