Các tướng lĩnh, nhà khoa học và lãnh đạo tỉnh tại Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng
"Chiến thắng Hòa Bình - Thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng và bài học lịch sử” được tổ chức tháng 12/2021.
Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của T.Ư Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta đã mở màn Chiến dịch Hòa Bình, giành thắng lợi sau 3 đợt tiến công (10/12/1951 - 25/2/1952).
Tháng 11/1951, quân Pháp tập trung lực lượng lớn mở cuộc tiến công đánh chiếm Hòa Bình nhằm giành lại quyền chủ động chiến lược; mở rộng khu chiếm đóng, bịt chặt cửa ngõ phía Tây Nam đồng bằng Bắc Bộ, chặn đường liên lạc vận chuyển của ta giữa Việt Bắc và các liên khu 3, 4; tiêu diệt một bộ phận chủ lực và phá sự chuẩn bị tiến công Thu - Đông của ta. Cuộc tiến công do tướng R. Xalăng - Phó Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương trực tiếp chỉ huy.
Ngày 9/11/1951, quân Pháp sử dụng 3 binh đoàn cơ động (GM1, GM2, GM3), 1 tiểu đoàn dù, 2 đại đội biệt kích mở cuộc hành quân Tuylip đánh chiếm khu vực Chợ Bến; ngày 14/11, tăng cường thêm 2 binh đoàn cơ động (GM4, GM7), 3 tiểu đoàn dù, 7 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn thiết giáp và 2 đại đội xe tăng mở cuộc hành quân Lôtut đánh chiếm thị xã Hòa Bình, đường 6, Ba Vì. Sau khi chiếm được các mục tiêu trên, Pháp để lại 13 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 4 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn thiết giáp, 1 đại đội và 1 trung đội xe tăng tổ chức phòng ngự thành 2 phân khu: Phân khu sông Đà - Ba Vì (khu Bắc) và phân khu Hòa Bình - đường 6 (khu Nam); ngoài ra, có phân khu Chợ Bến là tiền đồn phía Đông, bảo vệ Hòa Bình. Lần đầu tiên trên chiến trường Đông Dương, quân Pháp tổ chức phòng ngự theo kiểu tập đoàn cứ điểm. Sau khi phân tích, nhận định tình hình, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công lớn trên hai mặt trận: Tập trung chủ lực trên mặt trận chính Hòa Bình, đồng thời đưa một bộ phận chủ lực vào hoạt động trong vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm.
Cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bên Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan
tại xã Bình Thanh (Cao Phong).
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hòa Bình gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng; đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Chính trị kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Lực lượng tham gia chiến dịch trên mặt trận chính gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 304) và Đại đoàn Công pháo 351; trên mặt trận phối hợp, 2 đại đoàn bộ binh 316, 320 tiến sâu vào vùng sau lưng địch ở trung du và đồng bằng sông Hồng cùng các lực lượng tại chỗ tiến công địch, diệt tề trừ gian, mở rộng các khu du kích và căn cứ du kích.
Tại mặt trận Hòa Bình, Bộ Chỉ huy Chiến dịch hạ quyết tâm và giao nhiệm vụ cho Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 tiến công trên hướng chủ yếu, phá vỡ tuyến phòng ngự sông Đà của địch; Đại đoàn 308 (thiếu Trung đoàn 102) ở tả ngạn sông Đà, tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ, đánh quân viện trên sông Đà từ Tu Vũ đến thị xã Hòa Bình; Đại đoàn 312 ở hữu ngạn, diệt cứ điểm Chẹ, đánh quân viện trên đường từ Sơn Tây đi Đá Chông và từ Đá Chông đến Chẹ; Đại đoàn 304 ở hướng thứ yếu của chiến dịch, kiềm chế địch ở thị xã Hoà Bình và đánh địch trên đường 6; Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) làm lực lượng dự bị đứng chân ở Cổ Tiết cùng lực lượng vũ trang địa phương Phú Thọ sẵn sàng đánh địch càn quét khu vực Hạc Trì, Lâm Thao, Hưng Hoá, đường số 2. Cách đánh chiến dịch được xác định là "đánh điểm, diệt viện”, kết hợp đánh địch trong công sự với đánh địch vận động, càn quét hoặc tăng viện, ứng cứu bằng đường bộ, đường sông, đường không, sẵn sàng đánh địch rút chạy…
Sau hơn 2 tháng chiến đấu, ở mặt trận Hòa Bình, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6 nghìn địch, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm 17 tàu, xuồng, phá huỷ 12 pháo và hơn 200 xe quân sự, thu 24 pháo và gần 800 súng các loại; giải phóng khu vực Hòa Bình - sông Đà, giữ vững đường giao thông chiến lược giữa Việt Bắc và các liên khu 3, 4; đập tan âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược, mở rộng vùng chiếm đóng và lập "Xứ Mường tự trị” của quân Pháp.
Ở mặt trận địch hậu, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 15 nghìn tên địch, thu 6 nghìn súng các loại, mở rộng nhiều khu du kích và căn cứ du kích, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm, phối hợp và hỗ trợ cho mặt trận chính Hòa Bình giành thắng lợi. Sự chỉ đạo phối hợp có hiệu quả giữa hai mặt trận là yếu tố quyết định trực tiếp thắng lợi của chiến dịch.
Chiến dịch Hòa Bình kết thúc thắng lợi, cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên chiến trường trung du, Liên khu 3, mặt trận phối hợp quan trọng của Chiến dịch Hòa Bình đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Thắng lợi của ta ở mặt trận sau lưng địch làm thay đổi tình thế đồng bằng Bắc Bộ, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của toàn bộ Chiến dịch Hòa Bình. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình là thành công của Đảng ta trong việc chỉ đạo tiến công chiến dịch và đưa quân đội ta có bước tiến mới về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, khả năng chiến đấu liên tục dài ngày trên hai mặt trận rộng lớn và phức tạp. Khi nghiên cứu về chiến tranh của quân Pháp ở Đông Dương, nhà báo, nhà sử học Béc-na Phôn đã cho rằng: "Chiến dịch Hòa Bình đối với quân Pháp cũng tổn thất về sinh mạng và trang bị nhiều không kém gì chiến dịch Biên Giới và chiến dịch Điện Biên Phủ sau này”.
Trong tháng 12/2021, Bộ Quốc phòng phối hợp Tỉnh uỷ Hoà Bình đã tổ chức thành công hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng với chủ đề "Chiến thắng Hoà Bình - Thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng và bài học lịch sử”. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tới 13 điểm cầu với hơn 400 đại biểu tham dự. 70 năm đã trôi qua, song những giá trị, những bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Hòa Bình vẫn còn nguyên giá trị và đang được vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Phát huy truyền thống quê hương anh hùng và kiên cường cách mạng, Đảng bộ, Nhân dân trong tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng. Đến nay, tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc, vươn lên thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, tăng trưởng kinh tế đứng trong tốp đầu các tỉnh miền núi phía Bắc. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, kết cấu hạ tầng, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng phát triển, xây dựng quê hương giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc.
Lê Chung
(Nguồn HBĐT)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận