Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác
kiểm tra công tác lập quy hoạch Không gian văn hóa Mường ở xóm Luỹ Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc).
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
thăm hỏi tình hình đời sống người dân xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc).
Huyện Tân Lạc đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án BT&PH bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về việc BT&PH bản sắc văn hóa dân tộc Mường được nâng lên. Các giá trị văn hóa của dân tộc như nhà sàn, trang phục gắn với sinh hoạt và đời sống được quan tâm. Các lễ hội truyền thống như Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường, Lễ hội chùa Kè, Lễ hội đánh cá suối tháng Ba được duy trì và phát triển. Tuy nhiên, công tác BT&PH giá trị văn hóa dân tộc Mường còn khó khăn. Nguồn lực cho bảo tồn làng cổ dân tộc Mường thuộc xóm Luỹ Ải, xã Phong Phú chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đem lại kết quả. Tư duy của người dân chậm thay đổi, chưa khai thác lợi thế về chủ trương, chính sách, giá trị di sản văn hoá của dân tộc để phát triển du lịch.
Huyện đề nghị tỉnh cho chủ trương, cơ chế, hỗ trợ xây dựng dự án Khu bảo tồn KGVH dân tộc Mường tại xóm Luỹ Ải; có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ các nghệ nhân, người nắm giữ và thực hành di sản văn hoá tiêu biểu của dân tộc Mường trên địa bàn tỉnh; bố trí nguồn lực cho công tác lập QH chi tiết, công tác BT&PT giá trị di sản văn hoá tiêu biểu của dân tộc Mường.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác đã đến thăm xóm Ải, xã Phong Phú. Đây là làng Mường cổ còn lưu giữ được những trị văn hóa, không gian, cảnh quan của dân tộc Mường huyện Tân Lạc. Năm 2008, xóm Ải được Bộ VH-TT&DL đầu tư bảo tồn và công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người và là xóm đại diện dân tộc Mường. Năm 2017, thực hiện Đề án "Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình”, xóm Ải sáp nhập với xóm Luỹ đổi tên thành xóm Luỹ Ải, hiện có hơn 200 hộ dân, trên 930 nhân khẩu; 97% hộ dân là người dân tộc Mường. Riêng xóm Ải (cũ) còn lưu giữ được 19/34 ngôi nhà sàn truyền thống, là điểm du lịch cộng đồng OCOP 3 sao. KGVH Mường đã được cập nhật vào QH tỉnh. Dự kiến Khu bảo tồn KGVH Mường có diện tích nghiên cứu khoảng 125ha, có cảnh quan thiên nhiên hài hòa, tươi đẹp, được QH các khu bảo tồn, khu dịch vụ trung tâm; khu khách sạn cao cấp; khu trang trại; khu tổ chức lễ hội; khu lưu trú, homestay, resort, các khu dân cư hiện trạng, cảnh quan; khu khám phá thiên nhiên…
Kiểm tra phương án lập QH xây dựng KGVH Mường tại xóm Luỹ Ải, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận những cố gắng của cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện Tân Lạc, các đơn vị liên quan trong việc BT&PH những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường. Đồng chí đề nghị huyện Tân Lạc phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị xây dựng QH đảm bảo chất lượng, tầm nhìn dài hạn theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, bảo tồn nguyên vẹn toàn bộ cảnh quan, kiến trúc, phong tục tập quán, lối sống, di sản văn hóa phi vật thể khu vực các hộ đã và đang sinh sống ở xóm Ải cũ; QH một số hạng mục mới nhằm mở rộng không gian phát triển du lịch; nghiên cứu cơ chế, chính sách quản lý, huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, xây dựng và khai thác bền vững các giá trị văn hóa Mường để phát triển du lịch bền vững, cải thiện sinh kế của người dân.
( Theo HBĐT)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận