Xích lại gần Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đào thêm hố sâu trong quan hệ với Mỹ
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tới Thổ Nhĩ Kỳ là cơ hội để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 18/3 bắt đầu chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm sẽ là cơ hội để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, trong bối cảnh các mâu thuẫn về chiến lược Syria, trừng phạt Iran cùng với vấn đề phòng thủ tên lửa đang kéo dài khoảng cách giữa hai đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Nga dự kiến có cuộc gặp với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Cuộc gặp này là một phần trong cuộc họp Nhóm làm việc chiến lược chung Nga-Thổ tại thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ. Hai bên dự kiến thảo luận những vấn đề hợp tác song phương và quốc tế khác cùng quan tâm. Cuộc gặp cũng chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo giữa lãnh đạo hai nước, cũng như cuộc họp Hội đồng hợp tác cấp cao Nga- Thổ. Cuộc khủng hoảng Ukraine và Syria dự kiến nằm trong chương trình nghị sự đưa ra thảo luận.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đang căng thẳng liên quan đến thương vụ mua vũ khí của Nga. Mỹ đã cảnh báo sẽ xem xét lại hợp đồng bán máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này vẫn kiên quyết mua hệ thống phòng thủ của Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Edorgan vẫn khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch này. “Thỏa thuận đã được kí . Không bao giờ có việc xóa bỏ nó. Đó là hành vi không có đạo đức và không phù hợp với Thổ Nhĩ Kỳ. Khi chúng tôi đạt thỏa thuận và chúng tôi phải tuân thủ nó. Sẽ là không thể chấp nhận được khi ai đó đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ phải hủy bỏ những gì chúng tôi đã cam kết”.
Không những không xem xét lại thỏa thuận mua hệ thống S-400, Thổ Nhĩ Kỳ còn cân nhắc mua thêm tổ hợp tên lửa S-500 của Nga, đang được xem là hệ thống tên lửa phòng không số 1 thế giới. Với những tuyên bố này của Thổ Nhĩ Kỳ báo hiệu một giai đoạn căng thẳng mới với Mỹ, trong đó có khả năng áp đặt các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn theo đuổi kế hoạch mua vũ khí của Nga bất chấp sức ép lớn từ Mỹ cũng như lo ngại của các đồng minh NATO, được giới phân tích nhận định là nằm trong chiến lược của quốc gia này không muốn ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác với Nga đang trên đà thuận lợi.
Trước hết là mối quan hệ hợp tác quân sự trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Trong khi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ luôn có khúc mắc về vấn đề Mỹ hậu thuẫn lực lượng người Kurd tại Syria thì Nga luôn chứng minh sự phối hợp hiệu quả với Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ sau căng thẳng do vụ lực lượng phòng không Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga cuối năm 2015, cùng với Iran, hai nước đã có sự phối hợp hiệu quả trong việc từng bước giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Tuần trước, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nhất trí thảo luận các hoạt động phối hợp tại tỉnh Idlib ở Syria, trong đó có việc tuần tra trên bộ xung quanh tỉnh Idlib như một phần trong thỏa thuận ngừng bắn.
Bên cạnh các lợi ích về hợp tác quân sự, kinh tế thương mại cũng là điểm sáng trong quan hệ song phương. Ngoài những lợi ích thu được từ bản thân hợp đồng S-400, sự hợp tác chặt chẽ về kinh tế như dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (TurkStream); hoặc việc Nga giúp Thổ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đang là nền tảng vững chắc thắt chặt thêm mối quan hệ này. Trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ luôn trong tình trạng sóng gió với các cảnh báo và tối hậu thư từ Mỹ, xu hướng xích lại gần Nga cũng có thể là cách để Thổ Nhĩ Kỳ cân bằng và giảm thiểu những tác động do biện pháp gây sức ép từ Mỹ.
Xích lại gần Nga nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế rằng mối quan hệ Mỹ-Thổ luôn có những lợi ích chiến lược khó có thể thay thế. Do đó, giới quan sát nhận định, đối thoại để thúc đẩy lợi ích và giảm bất đồng tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong mối quan hệ hiện nay giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải cân bằng giữa các rủi ro và lợi ích trong việc duy trì mối quan hệ với các đồng minh khác, đặc biệt là với Mỹ./.
Phạm Hà/VOV1
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận