Vùng Vịnh nóng trở lại trước nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ-Iran
Bộ Ngoại giao Iran kêu gọi các nước trong khu vực “cẩn trọng” trước mọi âm mưu gây bất ổn cho khu vực từ những “đặc vụ” nước ngoài.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/5 một lần nữa cảnh báo Iran không nên hành động liều lĩnh khi tấn công vào các lợi ích của Mỹ và các đồng minh khu vực, nếu không sẽ phải chịu một hậu quả “tồi tệ”. Cảnh báo của Người đứng đầu nước Mỹ đưa ra trong bối cảnh khu vực mới có những diễn biến hết sức phức tạp, “bất lợi” cho phía Iran, khi Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) thông báo 4 tàu thương mại quốc tế bị tấn công gần lãnh hải của họ, bên ngoài eo biển Hormuz.
Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Chúng ta sẽ thấy điều gì xảy ra với Iran. Nếu họ làm điều gì đó, đó sẽ là 1 sai lầm. Tôi đang nghe một vài câu chuyện nhỏ về Iran. Nếu họ làm gì, họ sẽ phải lãnh hậu quả. Đó sẽ là một điều tồi tệ với Iran.”
“Một vài câu chuyện nhỏ về Iran” mà Tổng thống Trump nhắc tới dường như ám chỉ trực tiếp tới việc 4 tàu chở dầu thương mại quốc tế, gồm 2 tàu của Saudi Arrabia, 1 tàu của Các Tiểu Arab thông nhất (UAE) và 1 tàu của Na Uy, bị tấn công gần eo biển Hormuz.
Dù cả Saudi Arabia và UAE đã lên tiếng về vụ việc, cho rằng vụ tấn công là mối đe dọa an ninh nguồn cung cấp dầu từ khu vực, song 2 quốc gia này đến nay vẫn không chỉ ra được đích danh thủ phạm của vụ tấn công, do chưa có đủ bằng chứng. Tuy nhiên, mọi con mắt đang đổ dồn về phía Iran khi quốc gia này trong quá khứ từng nhiều lần cảnh báo sẽ sử dụng quân sự để đóng cửa eo biển Hormuz – nơi trung chuyển dầu xuất khẩu của khu vực ra quốc tế, vốn đáp ứng được ít nhất 1/5 nhu cầu thị trường dầu toàn cầu.
Ngay lập tức, Iran đã bác bỏ mọi nghi ngờ, tuyên bố không có liên quan tới vụ việc, đồng thời kêu gọi quốc tế mở rộng điều tra vụ việc. Iran khẳng định, việc thông báo tấn công 4 tàu thương mại bị tấn công là một sự việc “đáng lo ngại”, và rằng đang có “kẻ thứ 3” đứng đằng sau vụ việc, nhằm tạo cớ để châm ngòi 1 cuộc xung đột quân sự “thực sự” giữa Mỹ và Iran. Bộ Ngoại giao Iran kêu gọi các nước trong khu vực “cẩn trọng” trước mọi âm mưu gây bất ổn cho khu vực từ những “đặc vụ” nước ngoài.
Vụ việc này cũng đã làm nóng chuyến thăm “bất ngờ” ngày 13/5 của Ngoại trường Mỹ Mike Pompeo tới Brussels, Bỉ – nơi ông đã có cuộc gặp chớp nhoáng với giới chức châu Âu và các đại diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO). Đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook cho biết, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chia sẻ về các mối đe dọa “leo thang” từ Iran mà Mỹ có được, trước khi Mỹ buộc phải điều tàu sân bay và nhiều khí tài quân sự tới vùng Vịnh trong 1 động thái mang tính “răn đe” Iran. Dù từ chối đưa ra bình luận về vụ 4 tàu thương mại bị tấn công, song ông Brian Hook cho biết, hiện UAE đã đề nghị Mỹ giúp đỡ điều tra vụ việc.
Trong khi đó, tại Nhà trắng, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan mới đây cũng đã trình 1 kế hoạch quân sự chi tiết trong 1 cuộc họp với các cố vấn An ninh của Tổng thống Mỹ. Theo bản kế hoạch được New York Times tiết lộ, nước này sẽ gửi 120.000 quân tới Trung Đông nếu Iran tấn công lực lượng Mỹ hoặc quốc gia Trung Đông này đẩy nhanh chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, việc điều động này sẽ mất ít nhất vài tuần, thậm chí là vài tháng để hoàn thành.
Hiện quốc tế đang kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh làm căng thẳng leo thang để biến thành cuộc xung đột quân sự. Ngày 13/5, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng hiện nay tại vùng Vịnh, đặc biệt là sau khi Mỹ điều tàu sân bay tới đây, kêu gọi các bên tránh một cuộc xung đột vũ trang “ngoài ý muốn”.
Còn trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại, bà Federica Mogherini đã kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa, tránh leo thang quân sự.
Bà Mogherini cũng tái khẳng định quyết tâm của EU trong việc bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran 2015: “Về phía Liên minh châu Âu, các quốc gia thành viên có đủ quyết tâm để làm tất cả những gì có thể để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, miễn là Iran thực hiện đầy đủ cam kết của mình. Cho đến nay, Cơ quan nguyên tử quốc tế vẫn khẳng định, Iran đang tuân thủ. Đây là điều rất quan trọng. Và rằng, đến nay, Cơ quan nguyên tử quốc tế sẽ vẫn là bên duy nhất có quyền xác minh việc Iran có tuân thủ thỏa thuận này hay không”.
Hiện Iran đã ra tối hậu thư, cho EU thời hạn 60 ngày để bảo vệ Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, nếu không Iran sẽ dừng thực thi 1 số điều khoản cam kết “tự nguyện” trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc làm giàu urani ở cấp độ cao./.
Theo Đình Nam/VOV1
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận