Vì sao Thượng đỉnh Nga -Triều Tiên là nỗi ám ảnh với Mỹ và Trung Quốc?
Hội nghị Thượng đỉnh Nga -Triều Tiên nếu diễn ra sẽ giúp cả hai nước có nhiều lợi thế trên bàn đàm phán, đặc biệt với Mỹ và Trung Quốc.
Triều Tiên đang quay sang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga – một đồng minh thời Chiến tranh Lạnh, trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Mỹ đạt được ít tiến triển và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tìm cách giảm nhẹ biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này
Cơ hội mới cho Nga và Triều Tiên
Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận bởi vẫn còn nhiều bất đồng giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong Un liên quan đến chương trình hạt nhân. Nếu không được nới lỏng các biện pháp trừng phạt, ông Kim Jong Un sẽ khó đạt được mục tiêu phát triển kinh tế. Truyền thông Triều Tiên cho biết, chính phủ nước này đã gửi thư tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đề nghị xem xét lại các biện pháp trừng phạt mà nước này cho là “hành động nhằm đẩy Triều Tiên vào thời kỳ đen tối”, song chưa được đáp lại. Và giờ là lúc Triều Tiên cần sự ủng hộ của Nga.
Hồi đầu tháng 3/2019, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, các hoạt động chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang được tiến hành, nhưng không tiết lộ thời gian và địa điểm cụ thể. Theo một số nguồn tin, hội nghị này có thể được tổ chức tại thành phố cảng Vladivostok thuộc khu vực Viễn Đông Nga.
Sự gần gũi và mối liên hệ bền chặt giữa Nga và Triều Tiên đã có những tiến triển sâu sắc trong lịch sử. Nga là đối tác ngoại giao và kinh tế quan trọng của Triều Tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Moscow đã sát cánh với Bình Nhưỡng trong những ngày đầu của cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) với sự hỗ trợ khí tài, xe tăng, máy bay và cố vấn chiến lược. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Moscow là đồng minh tài chính quan trọng nhất của Bình Nhưỡng, chiếm 1/2 kim ngạch thương mại với nước ngoài của Triều Tiên.
Giới quan sát đánh giá, Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Triều nếu diễn ra sẽ mang đến cơ hội quan trọng cho cả Bình Nhưỡng và Moscow để thúc đẩy các lợi ích riêng lẫn lợi ích chung. Hội nghị này sẽ giúp Triều Tiên nhận được sự ủng hộ từ một nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt và xúc tiến kế hoạch ngoại giao B nếu quan hệ với Trung Quốc – đối tác chính của Triều Tiên gặp trở ngại.
Về phía Tổng thống Putin – người đang nỗ lực đưa Nga trở thành một siêu cường, cuộc gặp Thượng đỉnh với lãnh đạo Kim Jong Un sẽ là cơ hội để ông mở rộng tầm ảnh hưởng và nắm được các thông tin về cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều, chuyên gia người Nga Andrei Lankov tại trường đại học Kookmin, Seoul cho biết.
Moscow phản đối những nỗ lực nhằm thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng và sự hợp nhất hai miền Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Hàn Quốc, song lại ủng hộ tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, ông Lankov nói. “Với Nga, sự ổn định trên Bán đảo Triều Tiên là ưu tiên quan trọng nhất”.
Mặc dù sự hỗ trợ của Nga dành cho Triều Tiên đã giảm đáng kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng Moscow vẫn để ngỏ việc cung cấp viện trợ kinh tế ở mức độ giới hạn cho Bình Nhưỡng, ông Wi Sung-lac, cựu đại sứ Hàn Quốc tại Nga nhấn mạnh. Trước đó hôm 4/4, truyền thông Triều Tiên cho hay Nga đã quyên góp 50.000 tấn lúa mì thông qua Chương trình lương thực thế giới (WFP) để hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu lương thực tại Triều Tiên.
Tờ Washington Post dẫn lời Andrea Kendall Taylor, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới tại Washington nhận xét rằng, cả Nga và Mỹ đều muốn Triều Tiên giải trừ kho vũ khí hạt nhân nhưng họ bất đồng về cách tiếp cận. Trong khi Mỹ muốn gây sức ép bằng trừng phạt thì Nga cho rằng các biện pháp này đang kìm kẹp nhà lãnh đạo Kim Jong Un, khiến tiến trình phi hạt nhân hóa trở nên khó khăn hơn: “Triều Tiên là một vấn đề nơi có sự chồng lấn giữa các lợi ích của Nga và Mỹ nhưng cũng là lĩnh vực mà hai nước có thể tìm thấy sự hợp tác”, bà nói.
Chuyên gia Kendall Taylor cho biết thêm, mục tiêu của Nga là đánh bại cái mà nước này cho là chủ nghĩa đơn phương của Mỹ và giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Bắc Á. Chiếc ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an cho phép Moscow phủ quyết bất cứ đề xuất nào của Washingon về việc áp đặt lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, giúp nước này dễ dàng vận động hành lang ủng hộ Triều Tiên hơn. Tuy nhiên, Moscow không thể dỡ bỏ trừng phạt với Bình Nhưỡng nếu không có sự chấp thuận của Mỹ cùng các đồng minh Anh và Pháp.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng muốn Triều Tiên mở cửa thương mại, giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc và điều này phù hợp với mong muốn của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, chuyên gia Neil Bhatiya thuộc Trung tâm an ninh Mỹ mới nhận xét.
Lá bài đánh cược với Trung Quốc
Cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Triều có thể giúp Triều Tiên giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, chuyên gia Vipin Narang, tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) lưu ý. Theo Cơ quan quan sát Sự phức tạp Kinh tế (OEC), hầu hết giao dịch quốc tế của Triều Tiên là với Trung Quốc, với tổng kim ngạch thương mại song phương vào khoảng 4,8 tỷ USD. Tuy nhiên, Triều Tiên cũng nhập khẩu từ Nga 74 triệu USD hàng hóa và xuất khẩu sang Nga 4 triệu USD hàng hóa vào năm 2017.
Quan hệ song phương giữa Triều Tiên với Trung Quốc không mấy êm đẹp trong thời gian gần đây do Bắc Kinh đôi lần ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng. “Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Triều do vậy sẽ giúp Triều Tiên có lá bài đánh cược trong trường hợp quan hệ giữa nước này với Trung Quốc xấu đi”, ông Vipin Narang nói.
Quan hệ song phương giữa Triều Tiên với Trung Quốc không mấy êm đẹp trong thời gian gần đây do Bắc Kinh đôi lần ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng. “Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Triều do vậy sẽ giúp Triều Tiên có lá bài đánh cược trong trường hợp quan hệ giữa nước này với Trung Quốc xấu đi”, ông Vipin Narang nói.
Trung Quốc và Nga có nhiều quan điểm chung trong vấn đề Triều Tiên, nhưng không phải là đồng minh, đặc biệt ở khu vực Châu Á. Luôn có sự hoài nghi giữa các bên xét về vấn đề lịch sử, địa lý và lợi ích quốc gia. Việc kéo Bình Nhưỡng ra xa một chút khỏi tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ giúp Nga có thêm lợi thế trong cuộc đàm phán về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa Nga và Trung Quốc, xét ở một mức độ nào đó, sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho Triều Tiên. Triều Tiên có thể lợi dụng sự cạnh tranh này để nhận được nhiều hơn nữa hỗ trợ về chính trị, kinh tế và quân sự từ cả hai quốc gia nói trên. Những cuộc đàm phán tích cực với Moscow, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, sẽ giúp mở rộng danh sách các nhà đầu tư nước ngoài vào Triều Tiên. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, bất kỳ sự hỗ trợ bổ sung nào mà Bình Nhưỡng nhận được từ Bắc Kinh hay Moscow sẽ giúp nước này có thêm nhiều lợi thế trên bàn đàm phán với Mỹ.
Gây sức ép với Mỹ và đồng minh
Ngay từ đầu, Nga và Triều Tiên đã không hài lòng với các hoạt động quân sự, sự hiện diện và liên minh của Mỹ tại Đông Bắc Á. Thêm vào đó, Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng tìm thấy sự đoàn kết khi phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế và sự cô lập về kinh tế do Mỹ dẫn đầu.
Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Triều nếu diễn ra, sẽ gián tiếp gửi thông điệp với Mỹ rằng Nga vẫn có ảnh hưởng tới chính sách ngoại giao của Triều Tiên, ít nhiều chi phối đến quan điểm của Triều Tiên trong cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ. Đây cũng là lời nhắc nhở Mỹ nên tôn trọng các lợi ích của Nga không chỉ trên Bán đảo Triều Tiên mà còn ở Ukraine, Syria và Venezuela.
Trên thực tế, Nga là quốc gia có vai trò quan trọng trong đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên) trước khi cơ chế này đi vào bế tắc. Lập trường của Nga luôn là ủng hộ cách tiếp cận đa chiều, khuyến khích phi hạt nhân hóa và loại bỏ các biện pháp trừng phạt, điều mà Triều Tiên vẫn theo đuổi trong các cuộc đàm phán thời gian qua.
Không chỉ gửi thông điệp ngầm tới Mỹ, các nhà phân tích cũng cho rằng, hội nghị nếu kết thúc thành công, sẽ mang lại cho Nga ưu thế chính trị vượt trội so với các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản. Nga có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ Hàn Quốc để phát triển khu vực Viễn Đông của nước này và có đòn bẩy trong cuộc đàm phán với Nhật Bản về vấn đề chủ quyền đối với các hòn đảo ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương mà Nga là quần đảo Nam Kuril, phía Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.
Truyền thông Triều Tiên hiện nay đang đẩy mạnh tuyên truyền về quan hệ nồng ấm giữa Moscow và Bình Nhưỡng. Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên cho biết, Nga và Triều Tiên không chỉ có “tình hữu nghị truyền thống mà còn chung quan điểm phản đối sự can thiệp và gây sức ép từ nước ngoài”. Quan hệ giữa Nga và Triều Tiên, dù không ở giai đoạn thăng hoa như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng đang hướng đến một khởi đầu mới, tạo đòn bẩy cho hai bên giải quyết những thách thức chung và riêng./.
Hồng Anh/VOV.VNNguồn Washington Post, National Interest
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận