Truyền thông Mỹ dõi theo sát sao Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội
Trên trang nhất của hầu hết các tờ báo lớn thường xuyên đưa tin, đăng bài phân tích của giới chuyên gia về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.
Trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, truyền thông tại Mỹ đang theo dõi sát sao và liên tục cập nhật về mọi hoạt động của hai nhà lãnh đạo, trong khi giới chuyên gia tiếp tục phân tích, nhận định về các kết quả có thể đạt được sau hội nghị lần này.
Những ngày gần đây, trên trang nhất của hầu hết các tờ báo lớn, gồm cả báo in và báo mạng, các hãng thông tấn, phát thanh, truyền hình và mạng xã hội, nhất là Twitter và Facebook tại Mỹ thường xuyên đưa tin, đăng bài phân tích của giới chuyên gia về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Các hãng thông tấn lớn như CNN, AP, Foxnews… liên tục cập nhật về mọi hoạt động của Nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ lúc đoàn tàu bọc thép chở ông Kim Jong-un dừng lại tại ga Đồng Đăng và khi chiếc Không lực Một (Air Force One) chở Tổng thống Donald Trump đáp xuống sân bay Nội Bài. Ngay khi Tổng thống Trump đặt chân xuống sân bay Nội Bài thì nhiều kênh truyền hình của Mỹ đã truyền hình trực tiếp và trực tuyến, thu hút được một lượng người xem khá lớn và rất nhiều người dân Mỹ đã rất ngạc nhiên với cách mà người dân Việt Nam đón chào Tổng thống Trump.
Nhìn chung, chính giới, chuyên gia và truyền thông không đặt kỳ vọng quá cao vào Hội nghị Thượng đỉnh lần này, song mong muốn Tổng thống Donald Trump đạt được một số tiến bộ trong vấn đề phi hạt nhân hóa và mở đường cho việc kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài gần bảy thập kỷ qua trên Bán đào Triều Tiên.
Tờ The Hill ngày 26 /2 nêu lên năm điều mà dư luận cần theo dõi từ cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội lần này. Vấn đề thứ nhất đó là liệu tiến trình phi hạt nhân hóa có được định rõ và thúc đẩy. Mục tiêu tổng thể trong chiến lược ngoại giao của Mỹ đối với Triều Tiên đó là phi hạt nhân hóa, nhưng trên thực tế hiện hai nước vẫn chưa nhất trí về những biện pháp cụ thể.
Khía cạnh khác cần được theo dõi chặt chẽ trong các cuộc đàm phán lần này đó là liệu Tổng thống Donald Trump có đồng ý đưa ra một tuyên bố hòa bình để kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên hay không. Một vấn đề nữa cũng rất được quan tâm đó là khả năng hai nhà lãnh đạo nhất trí mở các văn phòng liên lạc tại mỗi nước. Những người ủng hộ ý tưởng này cho rằng đây là cách để cải thiện liên lạc giữa Washington với Bình Nhưỡng mà không làm giảm sức ép của các biện pháp trừng phạt.
Ngoài ra, có hai khía cạnh có thể tác động tiêu cực đến các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Một là các sự kiện liên tiếp diễn ra tại Capitol Hill có thể khiến ông chủ Nhà Trắng bị phân tâm, bao gồm việc Hạ viện do đảng Dân chủ lãnh đạo có kế hoạch bỏ phiếu thông qua một nghị quyết để ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ông Michael Cohen, cựu luật sư riêng của Tổng thống Trump phải ra điều trần trong ba ngày liên tiếp trước các ủy ban của Quốc hội Mỹ. Hai là không loại trừ khả năng Tổng thống Trump có thể bất ngờ tuyên bố rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc, tương tự tuyên bố đình chỉ các cuộc tập trận chung giữa hai nước sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore.
Kỳ vọng lớn nhất của dư luận Mỹ lúc này đó là Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này. Cách thức duy nhất để hiện thực hóa mục tiêu đó, theo chuyên gia Harry Kazianis, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Triều Tiên thuộc Trung tâm lợi ích quốc gia Mỹ, hai bên cần ký một tuyên bố hòa bình để kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Tuyên bố chính trị đơn giản đó là điều mà ông Kim Jong-un cần để có thể bắt đầu tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách thực chất./.
Phạm Huân/VOV-Washington
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận