Trung Quốc lập kỳ tích xây dựng đường hầm dưới nước lớn nhất thế giới
Trung Quốc vừa hoàn thành xây dựng đường hầm dưới nước lớn nhất thế giới tại thành phố Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông. Kỳ tích này không chỉ thể hiện tiến bộ công nghệ mà còn là biểu tượng cho sự năng động và tham vọng của ngành kỹ thuật Trung Quốc.
Những thách thức kỹ thuật của công trình dưới nước
Xây dựng đường hầm dưới nước có quy mô lớn không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Các kỹ sư phải vượt qua những thách thức kỹ thuật phức tạp, trong đó có việc xử lý áp lực nước lớn. Đường hầm Hoàng Cương Tế Nam, với đường kính 17,5m, đòi hỏi phải có các giải pháp sáng tạo để xử lý những thách thức này. Các kỹ sư đã sử dụng máy khoan “Shanhe” do Herrenknecht phát triển có thể hoạt động dưới áp suất 7,5 bar. Nhờ hệ thống cân bằng áp suất đệm khí tự động, máy khoan có thể duy trì sự ổn định của đường hầm và ngăn ngừa mọi nguy cơ như sụp đổ, ngập lụt có thể xảy ra.
Một thách thức lớn khác là việc xử lý các đường khoan. Đường hầm được trang bị hệ thống xả nước giúp bánh xe cắt không bị kẹt. Ngoài ra, một camera được lắp đặt trong buồng khoan để giám sát dụng cụ cắt và tường hầm. Công nghệ tiên tiến này làm giảm nhu cầu can thiệp bằng áp suất cao, vốn không chỉ phức tạp mà còn nguy hiểm cho người lao động.
Không chỉ gây ấn tượng bởi kích thước khổng lồ, đường hầm Hoàng Cương Tế Nam còn được chú ý bởi tốc độ xây dựng. Đoạn dưới nước được hoàn thành chỉ trong 110 ngày, lập kỷ lục thế giới về việc xây dựng đường hầm quy mô lớn. Điều này có thể thực hiện được nhờ hiệu suất vượt trội của máy khoan, có khả năng tiến với tốc độ hằng ngày từ 16 đến 18m.
Thành công của dự án đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự phối hợp hoàn hảo giữa các bên liên quan. Mỗi bước, từ thiết kế đến thực hiện, đều được lên kế hoạch chính xác để đáp ứng thời hạn chặt chẽ. Các kỹ sư phải bảo đảm rằng từng bộ phận của đường hầm, từ vòng bảo vệ dưới nước đến hệ thống thông gió, đều được tích hợp và hoạt động hoàn hảo.
Thật thú vị khi so sánh đường hầm Hoàng Cương Tế Nam với các công trình kiến trúc tương tự khác, chẳng hạn như đường hầm qua eo biển Manche nổi tiếng. Đường hầm nối Anh với Pháp được tạo thành từ 3 đường hầm, trong đó có 2 đường hầm đường sắt công cộng với đường kính 7,6m. Mặc dù đường hầm eo biển dài hơn nhiều (khoảng 50,5km) nhưng đường kính của đường hầm Hoàng Cương Tế Nam (17,5m) vượt xa so với đường hầm ở châu Âu. Sự so sánh này làm nổi bật sức mạnh kỹ thuật mà đường hầm Hoàng Cương Tế Nam thể hiện. Thật vậy, đường kính lớn hơn hàm ý những thách thức bổ sung về độ ổn định cấu trúc và quản lý áp lực nước. Do đó, đường hầm Hoàng Cương Tế Nam minh họa cho khả năng của Trung Quốc trong việc vượt qua các giới hạn của kỹ thuật hiện đại và cạnh tranh với những thành tựu mang tính biểu tượng nhất của phương Tây.
Tác động đến kết nối khu vực
Đường hầm Hoàng Cương Tế Nam không chỉ là một kỳ công về mặt kỹ thuật mà còn rất quan trọng để cải thiện kết nối khu vực. Bằng cách băng qua sông Hoàng Hà, con sông dài thứ hai ở Trung Quốc, đường hầm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa Tế Nam với các khu vực khác. Đường hầm có 6 làn xe mỗi hướng, được tổ chức theo cấu hình hai cấp độ, với tốc độ giới hạn 60km/giờ.
Dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2025, đường hầm mới này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của khu vực. Bằng cách cải thiện liên kết giao thông, đường hầm không chỉ thúc đẩy thương mại và công nghiệp mà còn góp phần vào sự tăng trưởng của các lĩnh vực mới nổi. Với khả năng kết nối được nâng cao này, Tế Nam có vị trí thuận lợi để trở thành trung tâm đầu não cho phát triển kinh tế ở miền Đông Trung Quốc.
Ngoài việc cải thiện kết nối khu vực, việc xây dựng đường hầm Hoàng Cương Tế Nam còn có ý nghĩa quan trọng về mặt công nghệ và kinh tế. Từ góc độ công nghệ, dự án nêu bật chuyên môn về cơ sở hạ tầng ngày càng tăng của Trung Quốc. Việc sử dụng những máy khoan tiên tiến thể hiện khả năng thiết kế và sản xuất các thiết bị phức tạp của Trung Quốc.
Về mặt kinh tế, đường hầm là khoản đầu tư lớn tạo ra việc làm và kích thích tăng trưởng địa phương. Dự án đã huy động nguồn lực đáng kể, có sự tham gia của nhiều công ty và người lao động. Ngoài ra, khả năng kết nối được cải thiện mà nó mang lại có khả năng thu hút thêm đầu tư vào khu vực, từ đó củng cố sự phát triển kinh tế dài hạn. Đường hầm Hoàng Cương Tế Nam là minh chứng khẳng định, các dự án cơ sở hạ tầng lớn có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho đổi mới công nghệ và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
PHƯƠNG LINH
Theo https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/trung-quoc-lap-ky-tich-xay-dung-duo...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận