Trung Quốc dùng đòn “ngoại giao con tin” để gây sức ép với Canada?
Phía Trung Quốc cho rằng việc tòa án nước này kết án tử hình một công dân Canada là đúng quy định, có cơ sở chứ không phải vì để gây sức ép.
Sóng gió nổi lên trong quan hệ giữa Trung Quốc và Canada thời gian qua tiếp tục bị đẩy lên cao trào khi Bắc Kinh được cho là đang chơi ván bài “ngoại giao con tin” trong vụ xử tử công dân của Ottawa.
Điều đáng chú ý là vụ án Robert Schellenberg được xét xử vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ hai bên khiến giới quan sát quốc tế không khỏi hoài nghi rằng, phải chăng Bắc Kinh đang cố tình lợi dụng vụ án để gia tăng sức ép lên Ottawa sau vụ việc bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ hồi cuối năm ngoái tại Vancouver theo đề nghị của Mỹ.
Việc tòa án tại thành phố Đại Liên bất ngờ quyết định nâng bản án từ 15 năm tù giam lên mức án cao nhất là tử hình đối với một công dân phương Tây đã châm ngòi cho những băn khoăn rằng, có lẽ đây không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Trung Quốc bất ngờ đẩy nhanh quá trình xử Schellenberg giữa lúc mối quan hệ với Canada trong giai đoạn căng thẳng và phức tạp. Những diễn biến này đã khiến mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước trở nên căng thẳng tột độ.
Canada hôm qua (15/1) đã chính thức đề nghị Trung Quốc “có sự khoan hồng”, không thi hành án tử hình đối với công dân Canada bị kết tội buôn lậu ma túy. Thủ tướng Canada Justin Trudeau chỉ trích Trung Quốc đang áp dụng bản án tử hình một cách tùy tiện, khẳng định Canada sẽ can thiệp về bản án của Schellenberg. Nhà lãnh đạo Canada cũng cho biết rằng, chính quyền Ottawa “sẽ tiếp tục trao đổi mạnh mẽ” với Bắc Kinh về điều ông gọi là “việc sử dụng pháp luật tùy tiện của Trung Quốc”. Đây được xem là phản ứng mạnh mẽ nhất của Thủ tướng Canada kể từ khi Trung Quốc liên tiếp bắt giữ các công dân nước này.
Trong khi đó, Trung Quốc dường như vẫn kiên quyết bảo vệ bản án mà tòa án nước này vừa tuyên. Tòa án ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, khẳng định việc tuyên án đối với Schellenberg theo đúng các quy định và không vi phạm bất kỳ thủ tục nào.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh còn nhấn mạnh thêm rằng: “Phía Canada cho rằng Trung Quốc tự ý đưa ra phán quyết, điều này là sai. Tôi không biết liệu phía Canada có đọc kỹ thông tin liên quan đến bản án do Tòa án Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh tuyên hay không và liệu họ đã nghiên cứu các luật liên quan ở Trung Quốc trước khi đưa ra nhận xét như vậy. Thông tin do tòa đưa ra rất cụ thể và chi tiết. Bị cáo Schellenberg đã phạm tội khi tham gia vào hoạt động buôn lậu ma túy quốc tế có tổ chức và buôn lậu tới hơn 222 kg methamphetamine cùng với các đồng phạm. Các công tố viên có đầy đủ bằng chứng đáng tin cậy để buộc tội ông này."
Phía Trung Quốc cũng một mực bác bỏ cáo buộc cho rằng tòa án nước này kết án tử hình đối với công dân Canada để gây áp lực cho chính quyền Ottawa. Trung Quốc thậm chí còn chỉ trích chính Canada mới là bên đang “chính trị hóa” vụ án về Schellenberg.
Rõ ràng phán quyết của tòa án Trung Quốc cộng thêm phản ứng gay gắt từ Thủ tướng Canada đang cho thấy tình trạng căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm trong quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Canada. Việc hai bên “không bằng lòng” với nhau còn được thể hiện rõ khi giới chức Trung Quốc và Canada cùng lúc ban hành cảnh báo đi lại đối với công dân của mình. Trung Quốc khuyến cáo công dân nước này cẩn trọng và “đánh giá mọi rủi ro” khi đến Canada trong khi Ottawa trước đó cũng cảnh báo những người có ý định tới Trung Quốc cần “thận trọng cao độ vì nguy cơ thực thi tùy tiện pháp luật sở tại".
Hiện vẫn còn quá sớm để đi tới kết luận rằng việc xử nặng tội phạm ma túy Robert Schellenberg có phải là chiêu bài trả đũa của Trung Quốc khi muốn dùng luật để giải quyết vụ việc liên quan tới nhà điều hành cao cấp Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Canada hay không. Và cũng chưa rõ, vụ việc sẽ được hai bên xử lý như thế nào trong thời gian tới. Song rõ ràng, mối bất hòa giữa Trung Quốc và Canada ngày càng trở nên khó gỡ hơn khi hai bên vẫn không ngừng các cuộc đấu khẩu, mà thậm chí còn làm leo thang căng thẳng tình hình bằng những hành động cụ thể hơn nhằm vào bên còn lại./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận