Tổng thống Biden: Lệnh trừng phạt sẽ khiến nền kinh tế Nga tụt hậu 15 năm
Ngày 6/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định, lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Nga sẽ xóa bỏ những thành quả kinh tế mà Nga đạt được trong 15 năm qua và khiến nền kinh tế nước này gặp khó khăn trong những năm tới.
Trước đó, mặc dù thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt hầu như không thể ngăn chặn chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine nhưng ngày 5/4, Tổng thống Biden đã tiết lộ về một vòng trừng phạt kinh tế mới.
"Chỉ trong 1 năm, các biện pháp trừng phạt của chúng tôi có thể xóa sổ những thành quả kinh tế của Nga trong 15 năm qua. Chúng tôi đã ngăn chặn Nga nhập khẩu công nghệ và chúng tôi sẽ tiếp tục gây khó khăn cho Nga để nền kinh tế nước này khó có thể phát triển trong những năm tới".
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters
Nhà Trắng ngày 6/4 đã thông báo về các biện pháp trừng phạt bổ sung lên Nga, được thực hiện trong sự phối hợp với G7 và EU. Những biện pháp này bao gồm áp lệnh trừng phạt với nhiều ngân hàng Nga hơn, cấm các khoản đầu tư mới của Mỹ vào Nga, trừng phạt "giới tinh hoa Nga và gia đình họ", cũng như trừng phạt các doanh nghiệp nhà nước Nga với một danh sách các công ty sẽ được Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 7/4.
Thông báo của Nhà Trắng cũng nhận định: "GDP của Nga sẽ thu hẹp 15% trong năm nay, xóa sổ những thành quả kinh tế trong 15 năm qua của nước này".
Hiện khó có thể đánh giá được tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga. Trong khi Tổng thống Biden cho biết các lệnh trừng phạt ban đầu của Mỹ, được áp lên Nga vài ngày sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, làm suy giảm nền kinh tế và đồng nội tệ Nga thì hiện nay giá trị của đồng rúp đã tăng trở lại và Nga được dự đoán sẽ tăng doanh thu dầu mỏ và khí đốt thêm hơn 1/3 trong năm nay, phân tích của Bloomberg cho hay.
Theo nhà phân tích Đức Janis Kluge, doanh thu kỷ lục từ năng lượng đủ để bù đắp những tác động của lệnh trừng áp lên nền kinh tế Nga và dừng lạm phát. Không phải tất cả các quốc gia đều cắt đứt việc cung cấp công nghệ cho Nga và Moscow có thể sẽ chuyển sang các nhà cung cấp khác, chẳng hạn như Trung Quốc để bù đắp cho những mặt hàng bị dừng nhập khẩu.
Trong khi các quan chức trong chính quyền Mỹ miêu tả các lệnh trừng phạt là một biện pháp để ngăn chặn Nga theo đuổi các mục tiêu quân sự ở Ukraine, thì chính Tổng thống Biden thừa nhận vào tháng trước rằng "các lệnh trừng phạt không thể ngăn chặn" hành động của Nga nhưng vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận