Tìm tiếng nói chung trong cách "chế ngự" AI
Song song với cuộc chạy đua về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang diễn ra trên thế giới, các cường quốc và doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ đang bị cuốn vào một cuộc tranh cãi liên quan tới việc thiết lập những quy định trong quản lý, kiểm soát AI. Và dường như họ vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.
Theo Reuters, kết thúc Hội nghị thượng đỉnh hành động về AI diễn ra ở Paris (Pháp) hồi tuần trước, hơn 60 quốc gia đã nhất trí ưu tiên thúc đẩy công nghệ AI một cách “rộng mở, toàn diện, minh bạch, đạo đức, an toàn, bảo mật, đáng tin cậy” và AI phải được quản lý chặt chẽ.
Trước đó, hồi năm ngoái, các nhà lập pháp châu Âu đã phê chuẩn Đạo luật AI của Liên minh châu Âu (EU). Đây được coi là bộ quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới về quản lý công nghệ AI.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến dự phiên toàn thể tại Hội nghị thượng đỉnh hành động về AI ở Paris, ngày 11-2-2025. Ảnh: Anadolu

Thế nhưng, quan điểm nói trên không nhận được sự ủng hộ từ Mỹ, Anh và một số nước khác. Tại hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra ở Paris, Phó tổng thống Mỹ JD Vance đã cảnh báo các nước châu Âu không nên quản lý quá chặt đối với AI bởi điều đó có thể sẽ “bóp nghẹt”, hay nói cách khác là chặn đứng đà phát triển mạnh mẽ của công nghệ mới này. Cũng theo ông Vance, Mỹ có ý định duy trì thế lực thống trị về AI và phản đối mạnh mẽ cách quản lý cứng rắn của châu Âu đối với AI. “Chúng tôi tin rằng quy định quá mức đối với lĩnh vực AI có thể giết chết một ngành công nghiệp đang chuyển đổi”, Phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Các chuyên gia phân tích cho rằng quan điểm khác biệt là lý do chính khiến Mỹ và Anh không đặt bút ký vào tuyên bố cuối cùng của hội nghị. “Từ bài phát biểu của ông Vance, chính sách của Mỹ hiện có một sự thay đổi rõ ràng... An toàn sẽ không phải là trọng tâm chính mà thay vào đó, nó sẽ thúc đẩy sự đổi mới và niềm tin rằng công nghệ là một cơ hội; an toàn đồng nghĩa với quy định, quy định đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội đó”, Russell Wald, Giám đốc điều hành của Viện Trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm Stanford, giải thích.
Một nguồn tin thân cận với các nhà tổ chức hội nghị cũng cho biết, dựa trên quan điểm của Mỹ về quy định liên quan tới AI thì việc nước này không ký vào tuyên bố chung chẳng phải điều ngạc nhiên.
Dẫu vậy, cũng có ý kiến cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ sắc lệnh về kiểm soát AI có từ thời của người tiền nhiệm Joe Biden nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ và công bố dự án đầu tư lên tới 500 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng AI. Cùng với đó, sự xuất hiện mang tính cạnh tranh cao của mô hình AI DeepSeek từ Trung Quốc đã tạo thêm áp lực cho các quốc gia ở châu Âu trong cuộc chạy đua về AI, khiến họ phải nghĩ tới việc giảm bớt kiểm soát với công nghệ này. Tờ Politico cho rằng, Đạo luật AI của EU, vốn cấm một số hoạt động nhất định và đề ra các biện pháp bảo vệ cho những hoạt động khác, đang chịu áp lực từ các lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực AI ở châu Âu-những người cho rằng đạo luật này đang cản trở sự đổi mới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây cũng bày tỏ hy vọng Đạo luật AI của EU sẽ được áp dụng một cách linh hoạt nhằm giúp các công ty khởi nghiệp có thể theo kịp cuộc chạy đua về AI.
Dù những lời kêu gọi kiểm soát AI được cho là đã giảm nhiều so với trước đây nhưng hãng tin AFP nhận định rằng sẽ rất khó khăn để đạt được bất kỳ thỏa thuận nào liên quan tới AI do mỗi khu vực và quốc gia có những quan điểm, ưu tiên khác nhau về cách thức phát triển và quản lý công nghệ này.
TRUNG DŨNG
Theo https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/tim-tieng-noi-chung-trong-cach-che-...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận