Sáp nhập Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem: Giọt nước tràn ly
Việc Mỹ quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại Jerusalem và sáp nhập vào Đại sứ quán mới tại đây không phải mới nhưng là “giọt nước làm tràn ly”.
Chính quyền Mỹ vừa quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự quán của nước này ở Jerusalem, chuyên phụ trách các vấn đề người Palestine và sáp nhập cơ quan này vào Đại sứ quán mới của Mỹ ở Israel. Như vậy, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã hoàn tất việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Đây được xem là một bước đi tạo thêm căng thẳng nữa cho mối quan hệ Mỹ với Palestine vốn đã rất xấu, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán của Mỹ từ thành phố Tel Aviv về đây. Những bước đi của Mỹ không phải mới nhưng là “giọt nước cuối cùng làm tràn ly” và khiến cho tiến trình hòa bình Trung Đông càng khó tìm được giải pháp.
Chức năng của lãnh sự quán Mỹ ở Jerusalem?
Mỹ bắt đầu hiện diện ngoại giao tại Jerusalem từ năm 1844, hơn 100 năm trước khi nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948. Đến năm 1928, tòa nhà 3 tầng trên phố Agron, Jerusalem được chọn làm trụ sở của tổng lãnh sự quán Mỹ và hàng chục năm qua, cơ quan này hoạt động với chức năng là đại diện ngoại giao Mỹ đối với người Palestine. Tòa tổng lãnh sự này có vai trò là kênh liên lạc trực tiếp giữa các đại diện Palestine với Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trong khi đó, Israel liên lạc với Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua kênh của Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv và gần đây là Jerusalem. Sự phân chia rạch ròi này đã tạo nên hai kênh liên lạc độc lập, riêng biệt cho phép Mỹ nắm tình hình và giải quyết các vấn đề nhạy cảm liên quan đến hai đối tác trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Tổng Lãnh sự quán đã hoạt động độc lập như một Đại sứ quán; nơi đón tiếp và giải quyết đơn từ cho người Palestine kể từ Hiệp định Oslo vào những năm 90 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, đến nay, thay vì hoạt động độc lập, tổng lãnh sự quán này đã trở thành một bộ phận thuộc Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem. Việc đóng cửa Tổng Lãnh sự quán đồng nghĩa với việc các vấn đề của phía Palestine sẽ được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman, người đảm nhiệm vai trò giám sát quan hệ ngoại giao với cả Palestine và Israel.
Phản ứng của Palestine và khu vực?
Người dân Palestine cho rằng việc đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ vừa qua đang khiến cho tình hình ở Đông Jerusalem, khu Bờ Tây và Gaza trở nên càng phức tạp hơn với những tác động có thể diễn biến xa hơn. Những người ủng hộ Palestine coi động thái này là bằng chứng rõ ràng hơn về sự thiên vị của Mỹ ủng hộ Israel.
Thành viên của Ủy ban Điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), Hanan Ashrawi cho rằng Mỹ đang có ý định bộc lộ sự đối xử đối với người dân Palestine và các quyền không thể thay đổi của họ. Bà Ashrawi cũng cho rằng việc hợp nhất lãnh sự quán với Đại sứ quán Mỹ tại Israel không phải là một quyết định hành chính mà là một đòn tấn công chính trị đối với bản sắc và các quyền của người Palestine, đồng thời phủ nhận vai trò và vị thế lịch sử của cơ quan lãnh sự Mỹ trong gần 200 năm qua.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu thể hiện quan điểm phản đối động thái của Mỹ. Các chuyên gia Trung Đông Ilan Goldenberg và Hady Amr cho rằng việc sáp nhập này cho thấy Mỹ không còn thực sự theo đuổi giải pháp “hai nhà nước” và sẽ coi Israel và Palestine là một thực thể chính trị duy nhất của cả hai bên.
Tiến sỹ Hanna Issa, Tổng thư ký của Ủy ban Hồi giáo - Kito giáo ủng hộ Jerusalem và Các Thánh địa đánh giá rằng việc Mỹ hạ thấp đại diện ngoại giao đối với Palestine là sự tiếp nối chính sách phân biệt đối xử của Mỹ vì việc làm này đi ngược lại nghị quyết 478 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 1980.
Quyết định của Mỹ cũng gặp phải sự phản đối của các nhà ngoại giao Mỹ. Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Nicholas Burns hay nhà đàm phán cấp cao của Mỹ Dennis Ross phê phán việc sáp nhập và kêu gọi chính quyền Mỹ cần thực hiện các bước để tiếp cận đối với người Palestine. Cựu tổng lãnh sự Mỹ ở Jerusalem Jake Walles gọi việc đóng cửa là một kết thúc buồn cho một phái bộ ngoại giao quan trọng của Mỹ.
Tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ bế tắc?
Trước những diễn biến như hiện nay, tình hình khu vực Trung Đông trong tương lai gần tiếp tục biến động phức tạp. Tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ bị đẩy vào thế bế tắc như trước đây. Động thái của Mỹ đang tác động trực tiếp đến cục diện khu vực.
Thứ nhất, có thể khẳng định động thái này khiến cho quan hệ Mỹ và Palestine trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh những năm qua chứng kiến diễn biến xấu đi trong quan hệ song phương.
Tháng 12/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và tuyên bố dời đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, một quyết định khiến Palestine cắt đứt gần như tất cả các quan hệ ngoại giao với Mỹ. Tiếp đó, trong năm 2018, Mỹ đã ngừng cung cấp tài chính cho các hoạt động nhân đạo đối với người tị nạn Palestine, làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA). Vừa qua, Mỹ tiếp tục cắt giảm hàng trăm triệu USD tài trợ cho cho Palestine trong chương trình hỗ trợ giải quyết xung đột với Israel.
Thứ hai, động thái của Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa hai đối tác trong tiến trình hòa bình Trung Đông là Israel và Palestine. Trong gần một năm qua, khu vực chứng kiến nhiều cuộc biểu tình và xung đột bạo lực giữa Isreal và Palestine tại Dải Gaza, khiến hàng trăm người thương vong. Dự báo, trong thời gian tới, làn sóng phản ứng của người Palestine sẽ chưa dừng lại, thậm chí còn bị đẩy lên cao hơn và tình trạng bạo lực có thể leo thang căng thẳng, nhấn chìm triển vọng hòa bình cho xung đột tại Trung Đông./.
Thế Nguyễn/VOV-Cairo
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận