Quốc tế đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao giúp Syria thoát khỏi khủng hoảng
Các nỗ lực nhằm giải quyết hòa bình cuộc xung đột tại Syria vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt sau khi liên quân Mỹ, Anh, Pháp tấn công nước này.
- LHQ: Dấu hiệu tội ác chống lại loài người ở Syria
- 4 lý do Mỹ không dễ lật đổ Tổng thống Syria bằng đòn tấn công quân sự
Mỹ- Nga dù đang ở thế đối đầu trực diện về vấn đề Syria vẫn tỏ ý muốn đối thoại cùng nhau, trong khi Liên minh châu Âu cũng kêu gọi tái khởi động tiến trình chính trị giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài 7 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Bầu trời Syria rực sáng trong đêm Mỹ-Anh-Pháp tấn công
Mặc dù chiến dịch tấn công bằng tên lửa của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Syria đã kết thúc song đằng sau đó là không ít những hệ lụy, đặc biệt là những tác động tiêu cực đến tiến trình đàm phán hòa bình tại quốc gia vốn chìm trong nội chiến và bất ổn này.
Bất chấp việc chiến trường Syria tiếp tục nóng lên sau các đòn không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu, phía Nga khẳng định, nước này vẫn hy vọng đối thoại với Mỹ nhằm tìm ra một lối thoát cho cuộc khủng hoảng kéo dài dai dẳng tại Syria.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga mong muốn khi Mỹ giải quyết các vấn đề nội bộ, hai nước có thể "bắt đầu một số cuộc liên lạc cho dù tổn hại trong mối quan hệ song phương hiện nay chủ yếu do Mỹ gây ra".
Quan hệ ngoại giao giữa Nga và Mỹ- hai cường quốc hàng đầu thế giới “chạm đáy” sau những xung đột liên tiếp thời gian vừa qua. Mặc dù Mỹ vẫn cáo buộc Nga dung túng chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học và tuyên bố sẽ trừng phạt Moscow bằng các biện pháp cấm vận mới, nhưng Nhà Trắng vừa truyền đi thông điệp rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn sẵn sàng gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Dù cho tới thời điểm này vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ, nhưng người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Tổng thống Mỹ tin rằng sẽ tốt hơn nếu như Nga và Mỹ có quan hệ tốt đẹp và mối quan hệ giữa hai bên sẽ chủ yếu phụ thuộc vào hành động của Nga.
Việc Nga-Mỹ cùng tỏ rõ thiện chí muốn đối thoại với nhau giữa lúc tình hình Syria “căng như dây đàn” vì cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, cho thấy cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này không hẳn đã hoàn toàn rơi vào ngõ cụt. Và dù tranh cãi của Nga-Mỹ về vũ khí hóa học tại Syria có thể sẽ còn tiếp tục kéo dài, nhưng dẫu sao Nga, Mỹ cũng cần phải nhìn nhận vào một thực tế không dễ gì có thể phủ nhận.
Đó là hai bên vẫn cần làm nhiều hơn nữa trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria nhằm tạo cân bằng lợi ích không chỉ của hai nước này mà còn để đáp ứng kỳ vọng từ cộng đồng quốc tế.
Bởi lẽ việc tạo thêm nhiều rào cản lớn cho nỗ lực của quốc tế nhằm đưa Syria thoát khỏi xung đột hay việc đào thêm hố sâu ngăn cách giữa Nga và Mỹ trong lập trường giải quyết các vấn đề quốc tế nóng rốt cuộc cũng sẽ không thể giúp hai nước này đạt được những toan tính của mình khi quyết định can thiệp vào tình hình Syria.
Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi các mối quan hệ quốc tế đầy rẫy những phức tạp, thì vai trò của các nước lớn, đặc biệt là Nga được đánh giá là rất cần thiết cho tương lai hòa bình của Syria. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 16/4 còn đưa ra nhận định rằng nếu không có Nga sẽ không thể giải quyết được cuộc xung đột tại Syria.
Các nỗ lực ngoại giao về Syria vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm qua trong cuộc họp tại Luxembourg, ra tuyên bố nhấn mạnh "cần tận dụng tình hình hiện nay để khôi phục tiến trình nhằm tìm ra một giải pháp chính trị đối với cuộc xung đột tại Syria", khẳng định "sẽ không thể có một giải pháp quân sự" đối với cuộc chiến tại nước này.
Nhân dịp này, các ngoại trưởng còn nhắc lại lời kêu gọi các cuộc đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ, do Liên Hợp Quốc bảo trợ, cần tạo ra động lực mới. Tại cuộc họp, các ngoại trưởng đồng thời thảo luận các biện pháp nhằm thuyết phục Nga lôi kéo chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tham gia các cuộc đàm phán.
Trong khi đó, lãnh đạo nhiều nước Châu Âu cũng vừa tuyên bố ủng hộ các nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Syria. Giải pháp bền vững cho tương lai hòa bình tại quốc gia vốn ngập trong chiến sự này chỉ có thể đạt được thông qua con đường ngoại giao và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Cũng chính vì lẽ đó, hơn bao giờ hết, giới quan sát cho rằng, cuộc khủng hoảng Syria hiện cần phải được giải quyết từng bước một giống như việc từ từ tháo gỡ từng nút thắt. Và thời điểm này, việc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học cử thanh sát viên quốc tế đến Syria có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, chỉ có như vậy mới làm sáng rõ mối nghi ngờ về vụ tấn công hóa học vừa qua.
Cả Nga và Syria đều đang rất trông đợi một cuộc điều tra quốc tế sớm có thể làm trả lại sự trong sạch cho chính quyền của Tổng thống Syria trước những cáo buộc của Mỹ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov vừa nhấn mạnh: “Nga kêu gọi một cuộc điều tra khách quan. Đây mới chỉ là giai đoạn bắt đầu, sau khi có thông tin về vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học xuất hiện. Và những cáo buộc gần đây nhằm vào Nga là hoàn toàn không có cơ sở”.
Hiện mọi tâm điểm đều đang tập trung vào hoạt động thanh sát của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học tại Syria với hy vọng nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học sẽ sớm có lời giải đáp.
Các chuyên gia của Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học dự kiến sẽ đến thị trấn Douma của Syria vào ngày mai (18/4), và cộng đồng quốc tế đang rất kỳ vọng các chuyên gia của tổ chức này sớm đưa ra kết luận điều tra chính thức, mở ra lối thoát cho những tranh cãi liên quan tới vũ khí hóa học vốn đang làm nóng thêm tình hình tại Syria. Từ đó, đặt nền tảng cho triển vọng thúc đẩy một giải pháp toàn diện nhằm mang lại hòa bình, ổn định cho hàng triệu người dân Syria sau hơn 7 năm phải chứng kiến chiến sự đẫm máu./.
Phương Anh/VOV1
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận