Quân sự thế giới hôm nay (20-1): Iran tiết lộ căn cứ hải quân ngầm
Quân sự thế giới hôm nay (20-1) có những nội dung sau: Iran tiết lộ căn cứ hải quân ngầm; Ba Lan nhận 28 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 SEPv3 Abrams; Hàn Quốc thử nghiệm trực thăng tấn công đổ bộ mới.
* Iran tiết lộ căn cứ hải quân ngầm
Đài truyền hình nhà nước Iran vừa phát sóng cảnh quay Tổng tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) Hossein Salami đến thăm căn cứ hải quân ngầm sâu 500m tại một địa điểm không được tiết lộ ở Vịnh Ba Tư và nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của căn cứ này trong việc tăng cường năng lực hải quân và khả năng răn đe của Iran trong khu vực. Tướng Salami cho biết, Hải quân IRGC vận hành nhiều căn cứ như vậy.
Những chiếc tàu “trú” tại căn cứ ngầm có khả năng phóng tên lửa dẫn đường chính xác. Căn cứ này cũng “chứa” các tàu rải mìn, giúp tăng cường hơn nữa khả năng kiểm soát các điểm nghẽn hàng hải quan trọng của IRGC ở Eo biển Hormuz và Vịnh Ba Tư.
Việc xây dựng căn cứ ngầm này cung cấp khả năng bảo vệ đội tàu của Iran khỏi các cuộc không kích. Điều này là rất quan trọng khi giám sát vệ tinh và đạn dẫn đường chính xác đang ngày càng trở nên hiện đại hơn.
Không giống như các lực lượng hải quân truyền thống, vốn dựa vào các tàu nổi lớn, Iran sử dụng các tàu tên lửa nhỏ, di chuyển nhanh có thể tấn công nhanh và rút lui trước khi lực lượng đối phương có thể phản ứng. Chiến thuật “đánh và chạy” này là trọng tâm trong cách tiếp cận phòng thủ hải quân của Iran. Các căn cứ ngầm cũng khiến đối phương khó dự đoán vị trí của các tàu này hơn, mang lại cho IRGC yếu tố bất ngờ.
Army Recognition cho biết, việc công bố căn cứ hải quân ngầm cũng nhấn mạnh sự chú trọng ngày càng tăng của Iran vào phòng thủ hàng hải, đặc biệt là khi căng thẳng ở Vịnh Ba Tư tiếp tục gia tăng. Eo biển Hormuz, nơi một phần đáng kể dầu mỏ của thế giới đi qua, là một nút thắt địa chính trị quan trọng.
Theo Bulgarian Military, Iran đã xây dựng một số căn cứ tên lửa ngầm, gọi là “thành phố tên lửa”, dọc bờ biển Vịnh Ba Tư. Các cơ sở này được thiết kế để triển khai các hệ thống tên lửa, tăng khả năng cơ động và hiệu quả của lực lượng vũ trang Iran. Các cơ sở này là nơi bố trí những tên lửa có tầm bắn hàng trăm ki-lô-mét, độ chính xác cao và có thể vượt qua các biện pháp tác chiến điện tử và máy bay không người lái cảm tử.
* Ba Lan nhận 28 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 SEPv3 Abrams
Ngày 18-1, Ba Lan chính thức tiếp nhận 28 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 SEPv3 Abrams. Đây là lô xe tăng đầu tiên trong số 250 xe tăng mà Bộ Quốc phòng Ba Lan đã ký hợp đồng trị giá 4,75 tỷ USD với Mỹ.
Việc trang bị các xe tăng này là bước tiến lớn trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Ba Lan nhằm tăng cường khả năng thiết giáp. Theo thỏa thuận, tất cả 250 xe tăng sẽ được bàn giao vào cuối năm 2026.
M1A2 SEPv3 là phiên bản mới nhất của dòng xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams, được General Dynamics phát triển. M1A2 SEPv3 cải thiện hỏa lực, khả năng bảo vệ và tính cơ động vốn đã rất mạnh mẽ của M1A2, đồng thời tích hợp các hệ thống công nghệ hiện đại. Những cải tiến đáng chú ý nhất của mẫu SEPv3 nằm ở hệ thống điện tử và phát điện, cung cấp nhiều điện năng hơn để hỗ trợ các cảm biến, hệ thống vũ khí và thiết bị liên lạc hiện đại. Xe cũng được trang bị thiết bị điện tử cải tiến và thiết bị nhận thức tình huống tiên tiến, rất quan trọng trong môi trường chiến đấu hiện đại.
SEPv3 còn có hệ thống tăng cường tầm nhìn cho người lái, mang lại hiệu suất tốt hơn trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc tầm nhìn bằng 0.
SEPv3 có những nâng cấp đáng kể cho giáp phản ứng và giáp tổng hợp. Xe cũng được tích hợp hệ thống bảo vệ chủ động Trophy để phát hiện và vô hiệu hóa các đầu đạn đang bay tới.
Xe tăng M1A2 SEPv3 Abrams vẫn giữ nguyên pháo nòng trơn 120mm như phiên bản tiền nhiệm, có khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau, bao gồm đạn xuyên giáp tiên tiến và đạn dẫn đường. Hệ thống kiểm soát hỏa lực của xe tăng đã được nâng cấp, cho phép bắt mục tiêu nhanh hơn, bắn chính xác hơn, ngay cả khi xe tăng đang di chuyển với tốc độ cao.
* Trực thăng tấn công đổ bộ mới của Hàn Quốc thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trong năm 2025
Hàn Quốc vừa đánh dấu một cột mốc quan trọng trong năng lực phòng thủ của mình với chuyến bay đầu tiên thành công trong năm 2025 của trực thăng tấn công đổ bộ (MAH) sản xuất trong nước. Trực thăng này được phát triển dựa trên trực thăng đa dụng nội địa Marineon.
Việc phát triển trực thăng này bắt đầu vào năm 2022 và Công ty Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc (KAI) đã hoàn thành 3 nguyên mẫu đầu tiên vào năm 2024. Sau khi hoàn thành các cuộc thử nghiệm trên mặt đất thành công vào tháng 10-2024, trực thăng đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 12 cùng năm. Giai đoạn phát triển tiếp theo bao gồm các cuộc thử nghiệm bay toàn diện, dự kiến bắt đầu trong năm nay. Các cuộc thử nghiệm này sẽ là một phần không thể thiếu trong việc xác thực thiết kế của trực thăng và đảm bảo khả năng sẵn sàng hoạt động của trực thăng trước khi triển khai. Dự kiến việc phát triển trực thăng sẽ kết thúc vào nửa cuối năm 2026.
Các cuộc thử nghiệm trong năm nay sẽ xác minh tốc độ bay, độ cao, hiệu suất bay treo, cũng như khả năng hoạt động của các hệ thống vũ khí trang bị trên trực thăng, bao gồm súng máy, tên lửa dẫn đường không đối đất và tên lửa dẫn đường không đối không nhằm đánh giá hiệu quả của trực thăng trong vai trò tấn công chống lại cả các mối đe dọa trên không và trên mặt đất.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)
Theo https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-20...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận