Quân sự thế giới hôm nay (15-11): Ba Lan tiếp nhận thêm pháo tự hành K9A1 Thunder
Quân sự thế giới hôm nay (15-11) gồm những nội dung sau: Ba Lan tiếp nhận thêm pháo tự hành K9A1 Thunder, Hàn Quốc ra mắt tên lửa chống hạm siêu thanh, Mỹ bổ sung UAV cho chương trình Replicator.
Ba Lan tiếp nhận thêm pháo tự hành K9A1 Thunder
Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Ba Lan thông báo vừa tiếp nhận thêm 12 hệ thống pháo tự hành K9A1 Thunder của Hàn Quốc tại cảng biển Gdynia. Lô hàng là một phần của hợp đồng mua sắm 212 hệ thống pháo tự hành K9A1 Thunder của quân đội Ba Lan. Hợp đồng này nằm trong một thỏa thuận khung rộng hơn, được Cơ quan Vũ khí Ba Lan và Tập đoàn Hanwha Defense của Hàn Quốc ký kết hồi tháng 7-2022.
Theo thỏa thuận này, các hệ thống pháo tự hành K9A1 Thunder sẽ được chuyển giao từ năm 2022 đến năm 2026, sau đó sẽ được tiến hành nâng cấp lên biến thể K9PL. Đây là biến thể do Tập đoàn Vũ khí Ba Lan cùng với Tập đoàn Hanwha Defense của Hàn Quốc phối hợp phát triển. Dự kiến, khoảng 460 hệ thống pháo tự hành K9PL sẽ được chế tạo tại nhà máy mới ở Ba Lan kể từ năm 2026.
Ngoài các hệ thống pháo tự hành K9A1 Thunder, hợp đồng còn bao gồm xe nạp đạn tự động K10 ARV và xe chỉ huy K11 FDCV. Biến thể K9PL, phiên bản K9 của Ba Lan sẽ được trang bị hệ thống điều khiển và định vị tích hợp C2, cùng bộ điều khiển hỏa lực tự động TOPAZ, được thiết kế tương thích với các xe chỉ huy của Ba Lan.
Tính đến cuối tháng 10-2024, Quân đội Ba Lan đã tiếp nhận tổng cộng 108 hệ thống pháo tự hành loại này. Lần bàn giao gần nhất là vào ngày 7-10 với 12 hệ thống pháo tự hành K9A1. Việc bổ sung các hệ thống này sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt pháo tự hành của Quân đội Ba Lan ở thời điểm hiện tại, nhất là sau khi nước này chuyển giao một lượng lớn pháo cho Ukraine theo chương trình viện trợ quân sự.
Tháng trước đánh dấu lần đầu tiên Quân đội Ba Lan triển khai pháo tự hành K9A1 Thunder ra nước ngoài, tham gia cuộc diễn tập AKKTULI-24 tại Estonia.
Hàn Quốc ra mắt tên lửa chống hạm siêu thanh mới
Tại Triển lãm hàng không Sacheon 2024 diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, Hàn Quốc lần đầu tiên giới thiệu mô hình kích thước đủ của mẫu tên lửa chống hạm siêu thanh mới, được gọi là "Tên lửa dẫn đường không đối hạm-II". Đây là chương trình phát triển vũ khí cho lực lượng Không quân Hàn Quốc do Cơ quan Phát triển Quốc phòng (ADD) của nước này triển khai từ năm 2022 và dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Tên lửa này sẽ được trang bị cho dòng máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 và máy bay KF-21 nhằm tăng cường khả năng tấn công chính xác tầm xa.
Tên lửa không đối hạm (kiêm không đối đất) đa nhiệm này có khả năng bay ở cả tầm cao và tầm thấp với tốc độ siêu thanh, đạt tốc độ Mach 2.5 (khoảng 3.000 km/giờ), nhanh gấp ba lần các tên lửa hành trình thông thường, giúp rút ngắn thời gian tiếp cận mục tiêu và hạn chế nguy cơ bị hệ thống phòng không đối phương phát hiện và đánh chặn.
Với tốc độ kể trên, tên lửa chỉ mất khoảng 5 phút để tiếp cận những mục tiêu ở khoảng cách 300km. Điều này có được là nhờ hệ thống động cơ đẩy ramjet của tên lửa, giúp tối ưu hóa tốc độ, đồng thời duy trì tính ổn định ngay cả trong các tình huống di chuyển nhanh.
Cơ chế hoạt động của động cơ đẩy ramjet là sử dụng không khí lấy từ bên ngoài kết hợp với nhiên liệu thay vì oxy hóa lỏng như ở tên lửa thông thường. Điều này giúp tên lửa duy trì thời gian bay dài hơn, ở tốc độ cao hơn những động cơ phản lực tiêu chuẩn, trong khi vẫn sử dụng một cấu trúc đơn giản.
Tên lửa chống hạm này còn được thiết kế dạng mô-đun, cho phép chuyển đổi nhanh giữa các nhiệm vụ không đối hạm và không đối đất, gia tăng tính linh hoạt khi tác chiến. Tên lửa được trang bị hệ thống tìm kiếm kép, kết hợp với radar và cảm biến quang điện tử (EO/IR), đảm bảo hoạt động hiệu quả trong nhiều điều kiện thời tiết và tình huống tác chiến khác nhau.
Mô hình giới thiệu tại Triển lãm hàng không Sacheon 2024 là nguyên mẫu thử nghiệm, tương đương về trọng lượng và kích thước với tên lửa thật, sẽ được sử dụng trong các bài kiểm tra bắn thử nghiệm trước khi hoàn thiện sản phẩm cuối cùng.
Mỹ bổ sung UAV cho chương trình Replicator
Bộ Quốc phòng Mỹ công bố sẽ bổ sung lô máy bay không người lái (UAV) mới hoạt động trên không và trên biển trong khuôn khổ chương trình Replicator, một dự án quy mô lớn nhằm nhanh chóng cung cấp các hệ thống vũ khí tự động hóa cho quân đội Mỹ.
Lô UAV mới bao gồm nhiều mẫu từ chương trình hệ thống thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ (UAS) cấp đại đội của quân đội. Bộ Quốc phòng đã chọn mẫu UAV Ghost-X do công ty công nghệ quốc phòng Anduril Industries chế tạo và mẫu C-100 của công ty Performance Drone Works. Lầu Năm Góc cho biết các mẫu UAV này sẽ đóng vai trò là phương tiện tác chiến linh hoạt cho các đơn vị chiến đấu, đặc biệt hiệu quả trong việc giám sát và xác định mục tiêu đối phương.
Chương trình Replicator cũng bao gồm việc trang bị Altius-600, một loại UAV tấn công cảm tử của công ty Anduril Industries, cùng với phương tiện thử nghiệm ETV. UAV ETV từ lâu đã được cho là một “ứng viên” của chương trình Replicator với các yêu cầu như tầm bay 500 hải lý, phù hợp với các tiêu chí của chương trình.
Bốn nhà cung cấp UAV ETV cho chương trình Replicator đang được xét duyệt gồm Anduril Industries, Integrated Solutions for Systems Inc., Leidos Dynetics và Zone 5 Technologies.
Đây là lần thứ hai và là lần chi tiết nhất mà Bộ Quốc phòng Mỹ công khai các loại UAV được mua sắm trong chương trình Replicator. Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks đã thông báo về chương trình này tại một hội nghị công nghệ ở Washington vào năm ngoái, cam kết sẽ triển khai hàng ngàn UAV giá rẻ vào tháng 8-2025, hoặc lần lượt trong vòng hai năm.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết họ đã xem xét khoảng 500 công ty thương mại cho chương trình Replicator, trong đó 30 công ty được trao hợp đồng và 50 công ty khác tham gia với vai trò nhà thầu phụ. Giai đoạn hai của chương trình sẽ tập trung vào các loại vũ khí có thể chống lại các UAV giá rẻ mà chương trình Replicator hiện đang mua sắm.
TRUNG THÀNH (tổng hợp)
Theo https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-15...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận