Quân sự thế giới hôm nay (14-1): Quân đội Nga thử nghiệm UAV Trump
Quân sự thế giới hôm nay (14-1) có những nội dung sau: Quân đội Nga thử nghiệm UAV mới có tên Trump; Iran ra mắt hệ thống tên lửa phòng không di động mới; Thổ Nhĩ Kỳ hạ thủy 2 khinh hạm lớp Istif.
* Quân đội Nga thử nghiệm UAV mới có tên Trump
Theo Russian Weapons, tổ hợp công nghiệp quân sự Nga đã phát triển một máy bay không người lái (UAV) vận tải chiến thuật có tên là TraMP. Được người Nga gọi một cách không chính thức là Trump, UAV này đã bước vào giai đoạn thử nghiệm trên mặt đất, với chuyến bay đầu tiên dự kiến vào tháng 4 năm nay.
UAV Trump được thiết kế để hỗ trợ các hoạt động hậu cần và các nhiệm vụ khác trong nhiều môi trường khác nhau. UAV Trump có khả năng vận chuyển tới 250kg hàng hóa trên quãng đường 600km. Các cuộc thử nghiệm hiện tại đang tập trung vào các hệ thống và cơ chế điều khiển của UAV. Nền tảng này có khoang chứa hàng có thể tích lên tới 2.650 lít, cho phép vận chuyển các tải trọng lớn, bao gồm cả hàng hóa thả bằng dù.
UAV Trump có cấu trúc mô-đun, cho phép thay thế tại chỗ các thành phần như cánh, động cơ và khung gầm. Khung gầm được gia cố với lốp đường kính lớn được thiết kế để cất cánh và hạ cánh trên các đường băng ngắn. Các tính năng bổ sung bao gồm hệ thống cứu hộ máy bay và hàng hóa tích hợp, nhằm cải thiện tính linh hoạt trong hoạt động của phương tiện.
Trump có thể bay với vận tốc 195km/giờ và trần bay là 3.000m. Nó được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ, như hỗ trợ hậu cần ở những khu vực khó tiếp cận, hoạt động như một bộ lặp liên lạc và mang theo máy bay không người lái FPV cỡ nhỏ. Theo chuyên gia quân sự Yevgeny Damantsev, phương tiện này đang trải qua quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt để đảm bảo chức năng và độ tin cậy.
* Iran ra mắt hệ thống tên lửa phòng không di động mới
Vừa qua, trong cuộc tập trận phòng không quy mô lớn Eqtedar 1403, lực lượng vũ trang Iran đã ra mắt hệ thống tên lửa phòng không di động mới Thunder (Tondar). Hệ thống này được thiết kế để đánh chặn và tiêu diệt các mục tiêu trên không ở độ cao lớn.
Việc ra mắt hệ thống Thunder diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Israel. Iran tăng cường các hệ thống phòng không nội địa không chỉ bởi các mối đe dọa từ Israel mà còn bởi những tác động từ lệnh trừng phạt quốc tế nhằm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ quân sự nước ngoài của quốc gia này.
Thunder là hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn di động do Iran phát triển nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các hệ thống quan trọng trước các mối đe dọa trên không. Được thiết kế để đánh chặn và tiêu diệt nhiều mục tiêu bay thấp như máy bay nhỏ, tên lửa hành trình và đạn dẫn đường phóng từ trên không, Thunder cung cấp một lớp phòng thủ quan trọng cho các cơ sở quân sự, sân bay và các địa điểm chiến lược. Khả năng phòng thủ tầm ngắn của nó cho phép triển khai nhanh chóng để bảo vệ các khí tài có giá trị trước các cuộc tấn công ở độ cao thấp, thường khó bị phát hiện và đánh chặn bằng các hệ thống phòng không thông thường.
Được trang bị radar và hệ thống dẫn đường tiên tiến, Thunder được cho là có khả năng theo dõi và tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc, đảm bảo phản ứng nhanh với các mối đe dọa đang phát triển. Mặc dù chưa có nhiều thông tin chi tiết cụ thể về tầm bắn và hệ thống dẫn đường của tên lửa, nhưng người ta kỳ vọng rằng Thunder sẽ sử dụng các công nghệ do ngành công nghiệp quốc phòng của Iran phát triển trong nước, tập trung vào việc duy trì tính linh hoạt và khả năng thích ứng trong các tình huống có rủi ro cao.
* Thổ Nhĩ Kỳ hạ thủy 2 khinh hạm lớp Istif
Theo thông tin do SSB công bố, Thổ Nhĩ Kỳ vừa hạ thủy 2 khinh hạm lớp Istif IZMIR (F-516) và IZMIT (F-517) được phát triển theo Chương trình MILGEM.
Những khinh hạm này là sự tiếp nối của các tàu hộ vệ lớp Ada nhưng kết hợp hỏa lực tăng cường, phạm vi hoạt động mở rộng và tính linh hoạt được cải thiện, khiến chúng phù hợp cho cả nhiệm vụ ven biển và ngoài khơi.
Với lượng giãn nước dao động 3.000-3.300 tấn và chiều dài 113m, thân tàu lớp Istif được thiết kế giảm thiểu diện tích phản xạ radar và tín hiệu hồng ngoại. Vật liệu composite tiên tiến và bề mặt phản xạ thấp đảm bảo khả năng khó bị các hệ thống đối phương phát hiện, tăng khả năng sống sót trong môi trường có nguy cơ cao. Hệ thống đẩy CODAG, kết hợp tua bin khí và động cơ diesel cho phép tàu đạt tốc độ tối đa 53,7km/giờ và phạm vi hoạt động là 11.112 km ở tốc độ hành trình.
Các khinh hạm được trang bị bộ cảm biến tiên tiến, bao gồm hệ thống radar mảng pha nội địa CAFRAD, cho phép phát hiện và theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu trên không và trên mặt nước; hệ thống quản lý chiến đấu GENESIS cung cấp khả năng tích hợp toàn diện tất cả các hệ thống trên tàu.
Vũ khí trên lớp Istif rất linh hoạt, có khả năng tham gia tác chiến phòng không, chống mặt nước và chống tàu ngầm. Tàu được trang bị pháo hạm OTO Melara 76mm, có khả năng tấn công các mối đe dọa trên không và trên mặt nước và hệ thống phóng thẳng đứng MK 41 hỗ trợ các tên lửa đất đối không như SeaSparrow. Thổ Nhĩ Kỳ đang có kế hoạch tích hợp các hệ thống tên lửa HISAR trong các phiên bản tương lai.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
Theo https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-14...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận