Quân sự thế giới hôm nay (10-2): Ấn Độ mua lên lửa R-37M của Nga?
Quân sự thế giới hôm nay (10-2) có những nội dung sau: Ấn Độ mua lên lửa R-37M của Nga? Mỹ bán tên lửa AGM-114 Hellfire cho Israel; Pháp mua thêm 530 xe bọc thép Serval.
* Ấn Độ thay thế tên lửa không đối không R-77 bằng R-37M?
Theo Bulgarian Military, Nga đã đề nghị Ấn Độ thay thế tên lửa không đối không R-77 trang bị dưới cánh máy bay Su-30MKI bằng tên lửa R-37M. Các nguồn tin địa phương của Ấn Độ đưa tin, Moscow sẵn sàng cấp phép sản xuất tên lửa R-37M tại Ấn Độ. Việc mua lại và sản xuất tên lửa này sẽ giúp tăng đáng kể năng lực của Không quân Ấn Độ.
Tên lửa không đối không tầm xa R-37M được thiết kế để tấn công các mục tiêu có giá trị cao. Với tầm bắn từ 300 đến 400km, tên lửa R-37M là một trong những tên lửa không đối không có tầm bắn xa nhất đang được sử dụng trên thế giới.
![Quân sự thế giới hôm nay (10-2): Ấn Độ mua lên lửa R-37M của Nga?](https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2025/02/10/upload_1028/ten%20lua.jpg?dpi=150&quality=100&w=870)
Đáng chú ý, tên lửa có thể đạt tốc độ Mach 6 (gấp 6 lần vận tốc âm thanh), rất quan trọng để đánh chặn các mục tiêu di chuyển nhanh. Thiết kế của tên lửa bao gồm thân hình trụ, đầu hình cung, sử dụng sơ đồ khí động học thông thường với một cánh có cạnh thấp để nâng. Tên lửa nặng khoảng 510kg, dài hơn 4m, đầu đạn 60kg.
Hệ thống dẫn đường của R-37M là sự kết hợp giữa dẫn đường quán tính với cập nhật giữa chặng bay, đầu tự dẫn radar chủ động và dẫn đường radar bán chủ động cho giai đoạn cuối. Hệ thống này cho phép tên lửa duy trì cấu hình radar thấp trong phần lớn thời gian bay, chỉ kích hoạt đầu tự dẫn radar gần mục tiêu để giảm thiểu khả năng bị phát hiện. Hệ thống điều khiển của tên lửa gồm bộ xử lý kỹ thuật số tiên tiến, tăng cường độ chính xác và khả năng điều hướng trong các cuộc giao tranh trên không phức tạp.
RVV-BD là phiên bản xuất khẩu của R-37M, có tầm bắn 200km, được thiết kế để tương thích với nhiều loại máy bay của Nga, bao gồm Su-57, Su-35, Su-30, MiG-31BM và MiG-35.
Đối với tên lửa R-77, phạm vi giao tranh tối đa khoảng 100km, tốc độ tối đa Mach 5. Tên lửa R-77 sử dụng bộ tìm kiếm radar chủ động tương tự như của R-37M nhưng không có khả năng dẫn đường quán tính mở rộng và khả năng hiệu chỉnh giữa đường bay của R-37M. Tương tự R-37M, tên lửa R-77 có khả năng “bắn và quên”, có thể khóa mục tiêu và theo đuổi mục tiêu mà không cần hướng dẫn thêm từ máy bay phóng. Vì nhẹ hơn và ngắn hơn tên lửa R-37M, nên R-77 dễ dàng tích hợp vào các khoang vũ khí hoặc giá treo ngoài của nhiều máy bay.
Việc sản xuất R-37M tại Ấn Độ có thể coi là một động thái chiến lược nhằm giảm chi phí tài chính, tăng cường năng lực phòng thủ và làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Nga.
* Mỹ bán tên lửa AGM-114 Hellfire cho Israel
Mỹ đã chấp thuận bán 3.000 tên lửa AGM-114 Hellfire với các biến thể khác nhau cho Israel với giá 660 triệu USD. Việc giao hàng dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2028.
Chức năng chính của tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire là phá hủy xe bọc thép, nhưng nó cũng được điều chỉnh để tấn công các công trình, binh lính và các mục tiêu có giá trị cao khác.
![Quân sự thế giới hôm nay (10-2): Ấn Độ mua lên lửa R-37M của Nga?](https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2025/02/10/upload_1028/ten%20lua%20hellfire.jpg?dpi=150&quality=100&w=870)
Phiên bản gốc của Hellfire là AGM-114A với hệ thống dẫn đường bằng laser bán chủ động, đầu đạn uy lực, đã được đưa vào sử dụng vào cuối những năm 1980. Các biến thể khác như AGM-114B có những cải tiến trong đầu đạn và hệ thống dẫn đường; AGM-114C và AGM-114K tăng độ chính xác và tầm bắn; AGM-114R được trang bị cả hệ thống dẫn đường bằng laser bán chủ động và hệ thống dẫn đường hồng ngoại, tấn công cả mục tiêu cố định và di chuyển với độ chính xác cao.
AGM-114 Hellfire được đặt trên nhiều bệ phóng khác nhau, như trực thăng, thiết bị bay không người lái, xe mặt đất. Trực thăng Apache AH-64 là một trong những bệ phóng chính để phóng tên lửa, sử dụng hệ thống ngắm mục tiêu tinh vi cho phép khóa mục tiêu ở phạm vi xa.
Tên lửa Hellfire được trang bị đầu đạn nổ tandem, được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bọc thép hạng nặng và có khả năng tấn công cả phần trên và bên hông xe đối phương, nơi lớp giáp bảo vệ thường yếu hơn.
Về hiệu suất, tên lửa Hellfire có tầm bắn khoảng 8km khi được phóng từ máy bay. Tầm bắn này có thể thay đổi tùy thuộc vào biến thể và nền tảng phóng cụ thể. Tên lửa có khả năng đạt vận tốc 1.000km/giờ, tấn công mục tiêu với độ chính xác cao.
Ngoài các biến thể tiêu chuẩn, còn có các mô hình chuyên biệt hơn nữa của AGM-114 Hellfire, như AGM-114P được tối ưu hóa cho các mục tiêu trên biển và AGM-114N có đầu đạn nhiệt áp để sử dụng chống lại các mục tiêu mềm, boongke và hang núi.
* Pháp mua thêm 530 xe bọc thép Serval
Quân đội Pháp đã đặt hàng thêm 530 xe bọc thép Serval Appui Scorpion. Hợp đồng trị giá hơn 1 tỷ euro đã được trao cho tập đoàn công nghiệp do Texelis và KNDS France thành lập. Tổng cục Vũ khí Pháp (DGA) tuyên bố việc giao hàng sẽ thực hiện theo từng giai đoạn từ năm nay đến năm 2031. Năm 2021, Pháp đã đặt hàng 364 xe bọc thép Serval.
![Quân sự thế giới hôm nay (10-2): Ấn Độ mua lên lửa R-37M của Nga?](https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2025/02/10/upload_1028/xe%20boc%20thep.jpg?dpi=150&quality=100&w=870)
Lô xe mới sẽ được biên chế cho nhiều đơn vị tác chiến khác nhau nhằm tăng cường khả năng cơ động, bảo vệ và chiến đấu của lực lượng vũ trang Pháp.
Được thiết kế như một xe bọc thép đa năng hạng nhẹ, Serval có khả năng di chuyển, bảo vệ, tự chủ và có tính mô-đun cao, có nhiều biến thể dành riêng cho nhiệm vụ trinh sát, chỉ huy và kiểm soát, vận chuyển quân lính và hỗ trợ hỏa lực.
Serval được trang bị hệ thống thông tin kỹ thuật số tiên tiến, cho phép kết nối chiến trường nâng cao và khả năng tương tác với các nền tảng thiết giáp khác như Jaguar và Griffon. Xe có mức độ cơ động cao, khả năng bảo vệ bằng giáp mô-đun.
Theo Militarnyi, xe bọc thép Serval có thể được chế tạo theo phiên bản phòng không và được trang bị hệ thống tên lửa phòng không Mistral 3. Xe cũng có thể được trang bị radar và pháo 30mm với đạn chuyên dụng chống máy bay không người lái và có khả năng truy cập vào vệ tinh Syracuse IV của Pháp.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)
Theo https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-10...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận