Quân sự thế giới hôm nay (1-11): Hệ thống tên lửa Iskander lần đầu xuất hiện ở Algeria
Quân sự thế giới hôm nay (1-11) có những nội dung sau: Hệ thống tên lửa Iskander lần đầu xuất hiện ở Algeria; Croatia được mua xe tăng Leopard 2 “giảm giá”; Thụy Điển quyết tâm giành gói thầu mua máy bay của Ấn Độ.
* Hệ thống tên lửa Iskander lần đầu xuất hiện công khai ở Algeria
Bulgarian Military cho biết, quân đội Algeria gần đây đang tập dượt cho cuộc duyệt binh quy mô, nhân kỷ niệm 70 năm bắt đầu cuộc đấu tranh giành độc lập (1-11-1954 / 1-11-2024).
Hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nhiều khí tài hiện đại đã được huy động, trong đó có hệ thống tên lửa chiến thuật tầm ngắn Iskander. Như vậy, đây là lần đầu tiên Iskander, vốn được đưa vào biên chế trong quân đội Algeria từ nhiều năm nay, xuất hiện công khai ở nước này.
Ngay từ năm 2013, Nga và Algeria đã thảo luận việc mua bán 4 trung đoàn tên lửa Iskander-E - phiên bản xuất khẩu của hệ thống tên lửa Iskander-M. Thông thường, mỗi trung đoàn như vậy sẽ có khoảng 30 xe các loại, gồm xe phóng, xe chở đạn, xe cẩu đạn, xe chỉ huy và xe bảo trì.
Theo tờ Kommersant của Nga, Moscow bắt đầu chuyển giao các hệ thống tên lửa Iskander cho Algeria từ năm 2018, song không tiết lộ giá trị hợp đồng, qua đó đưa nước này trở thành quốc gia nước ngoài thứ hai trang bị Iskander sau Armenia.
Khác với phiên bản nội địa Iskander-M, biến thể Iskander-E được Nga chào bán chỉ có tầm bắn tối đa 280km và mang theo đầu đạn (có thể gồm đạn chùm, đạn nổ phá mảnh hoặc xuyên giáp) trọng lượng 480kg, nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp ước Kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), trong đó cấm quốc gia xuất khẩu cung cấp cho khách hàng tên lửa có tầm bắn trên 300km và đầu đạn nặng quá 500kg.
* Croatia được mua xe tăng Leopard 2 “giảm giá” nhờ viện trợ cho Ukraine
Defense News đưa tin, chính phủ Croatia vừa ký một ý định thư với Đức, để mua 50 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A8 mới cho lực lượng vũ trang của nước này. Thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Croatia Ivan Anušić tới Berlin.
“Đây là một trong những dự án hiện đại hóa lớn nhất và quan trọng nhất của quân đội Croatia trong những năm qua. Nó sẽ góp phần tăng cường năng lực tác chiến cho các đơn vị thiết giáp của Croatia, qua đó bảo đảm khả năng phối hợp với lực lượng NATO”, Defense News dẫn lời ông Ivan Anušić nhấn mạnh trong một thông cáo.
Đáng chú ý, số phương tiện này sẽ có giá ưu đãi nhưng không được công bố, nhằm “đền bù” cho quân đội Croatia sau khi nước này lên kế hoạch chuyển giao 30 xe tăng M-84 và 30 xe chiến đấu bộ binh M-80 đã qua sử dụng, cùng với phụ tùng thay thế và đạn dược, cho Ukraine.
Lô xe tăng Leopard 2A8 đầu tiên của Croatia dự kiến sẽ được giao vào năm 2026, đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới việc điều chỉnh năng lực quân sự của Zagreb theo tiêu chuẩn NATO. Quyết định mua xe tăng Leopard 2A8 của Croatia được đưa ra chỉ một tuần sau khi Lithuania cũng tuyến bố có ý định mua dòng xe tăng Đức này cho quân đội mình.
Leopard 2A8 là phiên bản hiện đại hóa mới nhất trong "gia đình" xe tăng Leopard 2 của Đức. Xe tăng được trang bị hệ thống giáp bảo vệ tiên tiến, được cho là sự kết hợp của thép, vonfram, vật liệu composite và gốm. Ngoài ra, xe tăng còn được cải thiện khả năng chống mìn, tăng khả năng bảo vệ tháp pháo và trang bị hệ thống bảo vệ chủ động EuroTrophy hợp tác với Israel.
Xe tăng có động cơ mạnh mẽ 1.600 mã lực, nâng cấp từ động cơ 1.500 mã lực ở các phiên bản tiền nhiệm, giúp xe đạt tốc độ tối đa 70km/giờ, phạm vi hoạt động ước tính 450km.
* Thụy Điển quyết tâm giành gói thầu mua sắm máy bay của Ấn Độ
Theo EurAsian Times, nhà thầu quốc phòng Thụy Điển Saab khẳng định, sẽ giao hàng “siêu nhanh” nếu tiêm kích Gripen của hãng được Ấn Độ lựa chọn cho chương trình mua sắm 114 máy bay chiến đấu đa năng mới (MRFA).
Cụ thể, nhà thầu quốc phòng Thụy Điển cam kết có đủ năng lực để sản xuất và bàn giao lô tiêm kích Gripen đầu tiên trong vòng 36 tháng kể từ ngày đặt hàng.
Bên cạnh đó, Saab sẵn sàng chuyển giao 100% công nghệ cho New Delhi để sản xuất 96/114 chiếc tại Ấn Độ. Điều này cho phép ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ nắm bắt được thêm kiến thức trong thiết kế, phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu hiện đại.
Ngoài ra, Saab sẽ cung cấp các khóa đào tạo cho đội ngũ kỹ sư và phi công Ấn Độ tại Thụy Điển trong thời gian đầu, rồi sau đó xây dựng cơ sở đào tạo ngay tại Ấn Độ.
“Chúng tôi đang đề xuất tạo ra một hệ sinh thái hoàn chỉnh, giúp tăng cường khả năng tự cung tự cấp của Ấn Độ trong sản xuất, bảo trì và nâng cấp tiêm kích Gripen”, Phó chủ tịch Saab Mats Palmberg nêu rõ.
Chương trình MRFA là một dự án mua sắm vũ khí phức tạp của Ấn Độ đã kéo dài hơn một thập kỷ, có mục đích trang bị 114 máy bay chiến đấu hạng nhẹ tiên tiến với cấu hình 1 động cơ, đi kèm chuyển giao công nghệ chế tạo tại chỗ, với ngân sách ước tính từ 20 đến 23 tỷ USD.
Cho tới nay, ngoài tiêm kích của Saab, nhiều dòng máy bay chiến đấu đã tham dự gói thầu trên, bao gồm F-21 của Lockheed Martin, F-15EX và F/A-18 của Boeing (Mỹ), Rafale của Dassault (Pháp), Eurofighter của Typhoon (châu Âu), và Su-35, MiG-35 (Nga).
MINH ANH (tổng hợp)
Theo https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-1-...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận