Pakistan thử tên lửa đạn đạo - chạy đua vũ trang với Ấn Độ?
Vụ thử tên lửa đạn đạo của Pakistan diễn ra giữa lúc mối quan hệ giữa nước này và Ấn Độ tiếp tục chiều hướng xấu đi.
Pakistan vừa thử thành công tên lửa đạn đạo, đồng thời cân nhắc đóng cửa không phận với Ấn Độ giữa lúc căng thẳng giữa hai bên về vấn đề Kashmir vẫn chưa được hóa giải. Một loạt động thái mới này của Pakistan khiến dư luận không khỏi lo ngại sẽ tiếp tục khắc thêm mâu thuẫn giữa hai quốc gia Nam Á vốn luôn trong tình trạng thù địch này.
Tên lửa Pakistan. Ảnh: YouTube. |
Trong bước đi mới nhất được cho là sẽ “chọc giận” láng giềng Ấn Độ, Pakistan hôm qua (29/8) đã bắn thử thành công một tên lửa đạn đạo đất đối đất ở Rawalpindi, bang Punjab miền Đông nước này.
Vụ thử nghiệm diễn ra giữa lúc mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục chiều hướng xấu đi, đặc biệt sau khi Pakistan hạ cấp quan hệ ngoại giao với Ấn Độ đáp lại việc nước này quyết định hủy bỏ quy chế tự trị đặc biệt của bang Jammu và Kashmir có đa số dân theo đạo Hồi.
Động thái mới nhất của Pakistan khiến không ít các chuyên gia đặt ra giả thuyết về một cuộc chạy đua thử vũ khí giữa hai cường quốc sở hữu hạt nhân này. Bởi lẽ, Pakistan thử nghiệm tên lửa Ghaznavi có khả năng mang nhiều loại đầu đạn không lâu sau khi Ấn Độ thử phiên bản không đối đất của tên lửa BrahMos và tự tin khẳng định là có thể đánh bại bất kỳ hệ thống tên lửa phòng không hiện có trong khu vực.
Theo giới quan sát, việc Pakistan phản ứng cứng rắn như vậy không phải không có lý do, bởi đối với Pakistan, việc Ấn Độ công bố sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong hiến pháp đã làm thay đổi quy tắc trò chơi truyền thống, ngày càng rời xa phương án giải quyết mà hai bên đều có thể chấp nhận.
Mặc dù vẫn khẳng định không lấy việc Ấn Độ bãi bỏ điều khoản trao quyền tự trị cho Kashmir làm cái cớ gây chiến với Ấn Độ, song Pakistan chắc chắn sẽ giữ lập trường cứng rắn, tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong giải quyết xung đột với Ấn Độ.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan đầu tuần này khẳng định, Liên Hợp Quốc cần có rách nhiệm đảm bảo rằng người dân Kashmir phải có quyền quyết định tương lai của chính họ thông qua trưng cầu ý dân: “Liên Hợp Quốc cần thể hiện trách nhiệm rất lớn để có thể chứng tỏ rằng họ đang đứng về phía mạnh hay phía yếu. Dù thế giới có đứng bên người dân Kashmir hay không, thì chính phủ Pakistan vẫn sát cánh cùng họ. Chúng tôi, đất nước này muốn gửi thông điệp tới 8 triệu người dân Kashmir rằng chúng tôi sẽ đứng về phía họ.”
Với hàng loạt tuyên bố cáo buộc nhau trong bối cảnh tiếng súng vẫn chưa yên ở khu vực biên giới, rõ ràng quan hệ sóng ngầm giữa Ấn Độ-Pakistan chắc chắn sẽ còn diễn biến phức tạp thời gian tới.
Giới chuyên gia nhận định, Ấn Độ phải chăng đã liều mình chơi canh bạc lớn vào thời điểm có lẽ không mấy thích hợp khi chưa dàn xếp được mối bất hòa trong quá khứ với Pakistan. Mạo hiểm với một cuộc đối đầu tại vùng biên giới vốn ngày càng trở nên dữ dội, thường xuyên hơn, có lẽ bước đi gây tranh cãi mới nhất của Ấn Độ mặc dù đem lại cho đất nước này nhiều lợi thế để giải quyết các vấn đề trong nước trước mắt song lại cũng chính là khơi lại bất đồng với Pakistan. Ngọn lửa âm ỉ cháy trong quan hệ Ấn Độ- Pakistan lâu nay chỉ trực chờ bùng phát bất cứ lúc nào./.
Phương Anh/VOV1
Tổng hợp
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận