Nhận diện thách thức qua bức tranh dân số thế giới
Thế giới đã chính thức bước sang năm mới với không ít thay đổi, trong đó có dân số. Mỗi chuyển động trên bức tranh dân số hiện nay đều cho thấy những thách thức đối với một quốc gia hoặc một khu vực nào đó, thậm chí với cả thế giới.
AP dẫn số liệu của Cục Điều tra dân số Mỹ cho biết, bước sang ngày đầu tiên của năm 2025, dân số thế giới đã đạt 8,09 tỷ người sau khi tăng thêm 71 triệu người trong năm 2024. Tốc độ tăng dân số toàn cầu trong năm 2024 giảm nhẹ so với mức tăng 75 triệu người được ghi nhận vào năm 2023.
Dự kiến trong tháng 1 này, cứ mỗi giây trên toàn thế giới sẽ có trung bình 4,2 đứa trẻ được sinh ra và 2 người qua đời.
Theo tờ India Today, số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 7-2024, Ấn Độ là quốc gia đông dân nhất thế giới với tổng dân số khoảng 1,41 tỷ người, tiếp theo lần lượt là Trung Quốc và Mỹ. Các quốc gia khác nằm trong “tốp 10” bao gồm: Indonesia, Pakistan, Nigeria, Brazil, Bangladesh, Nga và Mexico.
Còn theo tờ Daily Tribune của Philippines, Ban Dân số Liên hợp quốc dự đoán dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng, đạt 8,5 tỷ người vào năm 2030 và đạt đỉnh 10,3 tỷ người vào những năm 2080. Tuy nhiên, tốc độ tăng dự kiến sẽ giảm sau khi đạt đỉnh do tỷ lệ sinh giảm ở nhiều khu vực.
Đáng chú ý, hơn một nửa số quốc gia trên thế giới hiện có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế dân số là 2,1 ca sinh/phụ nữ và nhập cư dự kiến sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ở Bắc Mỹ, châu Âu và Australia. Riêng tại Mỹ, dân số nước này đã tăng 2,6 triệu người vào năm 2024 và đạt 341 triệu người trong ngày đầu tiên của năm mới. Tăng trưởng dân số ở Mỹ chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố sinh sản và nhập cư, trong đó cứ 21,2 giây lại có thêm một người.
Báo cáo triển vọng dân số của Liên hợp quốc năm 2024 cũng nêu bật những thách thức do tỷ lệ sinh cao ở một số vùng thuộc khu vực châu Phi cận Sahara, nơi dân số dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2024 đến 2054. Sự gia tăng nhanh chóng này có thể gây căng thẳng cho các nguồn lực, khiến con đường phát triển bền vững và xóa đói, giảm nghèo ở khu vực này trở nên khó khăn hơn.
Tỷ lệ sinh cao cùng với hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản, cũng liên quan đến vấn đề bất bình đẳng giới. Chỉ riêng năm 2024 đã có 4,7 triệu trẻ sơ sinh, tương đương 3,5% số ca sinh trên toàn thế giới, được sinh ra bởi những bà mẹ dưới 18 tuổi, trong đó có 340.000 ca sinh bởi các bé gái dưới 15 tuổi. Do đó, giải quyết các vấn đề này thông qua đầu tư vào giáo dục và chăm sóc sức khỏe là yếu tố rất quan trọng để làm chậm tốc độ tăng trưởng dân số và cải thiện điều kiện sống.
Ngoài ra, theo tờ Daily Tribune, dân số toàn cầu cũng đang già đi, với tuổi thọ trung bình năm 2024 đạt 73,3 tuổi và dự kiến sẽ tăng lên 77,4 tuổi vào năm 2054. Sau đó, dự kiến đến năm 2080, số người lớn tuổi (65 tuổi trở lên) sẽ nhiều hơn số trẻ em dưới 18 tuổi. Các chính phủ được khuyến khích thích ứng với sự thay đổi này bằng cách đầu tư vào các chương trình chăm sóc sức khỏe, đào tạo lực lượng lao động và phát triển bền vững thay vì thúc đẩy các chính sách sinh đẻ để tăng tỷ lệ sinh.
Nhìn về tương lai, trong khi tốc độ tăng trưởng dân số của thế giới dự kiến sẽ chậm lại, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hẹp khoảng cách trong các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và hỗ trợ quyền sinh sản của phụ nữ nhằm “quản lý tăng trưởng một cách có trách nhiệm”. Ngoài ra, với 257 triệu phụ nữ trên khắp thế giới vẫn chưa được tiếp cận các biện pháp tránh thai, Liên hợp quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải có các chính sách bền vững để giải quyết những thách thức cả về dân số và môi trường.
TRUNG DŨNG
Theo https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/nhan-dien-thach-thuc-qua-buc-tranh-...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận