Nga và Ấn Độ muốn làm nền tảng cho trật tự thế giới mới?
Nga và Ấn Độ có khả năng tạo ra một “trật tự thứ 3” bên ngoài các giới hạn của Mỹ và Trung Quốc.
Lợi ích song trùng
Trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh thường niên Ấn Độ-Nga tổ chức ở Vladivostok (Nga) gần đây, có một số lợi ích căn bản giữa hai nước đang trở nên rõ ràng.
Thứ nhất, Nga và Ấn Độ có rất ít khúc mắc chính trị. Mối quan hệ về chính sách đối ngoại giữa 2 nước đã trụ vững trước thử thách thời gian. Mới đây Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar chỉ ra rằng quan hệ Nga-Ấn Độ vẫn là một nhân tố tương đối ổn định trong quan hệ quốc tế, hơn bất cứ mối quan hệ đáng lưu ý nào khác từ thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh.
Thứ hai, cả hai quốc gia này đều phát huy khía cạnh kinh tế trong quan hệ đối tác của họ. Bằng chứng cho điều này là việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tham gia Diễn đàn Kinh tế phương Đông (với tư cách là khách chính) nhằm thúc đẩy đầu tư và hoạt động kinh doanh của Ấn Độ ở vùng Viễn Đông Nga. Người ta ngày càng ghi nhận rằng quan hệ kinh tế song phương giữa 2 nước sẽ vượt qua bản chất một chiều hiện nay, khi mà New Delhi dựa nhiều vào hàng hóa quốc phòng nhập từ Nga.
Thứ ba, và quan trọng nhất, Ấn Độ và Nga có lợi ích chung trong việc giảm sự phụ thuộc của mình vào Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề có tầm quan trọng khu vực. Mỹ thì đang hối thúc Ấn Độ làm sâu sắc mối quan hệ quân sự giữa 2 nước thông qua nhiều sáng kiến khác nhau như là Quad, còn sự gần gũi về mặt chiến lược hiện nay giữa Nga và Trung Quốc không được bảo đảm về dài lâu.
Hợp tác Nga-Ấn Độ ở mức độ rộng lớn hơn dường như là một điều kết luận đã có từ trước. New Delhi và Moscow có thể hưởng lợi lớn từ sự đồng hành về chiến lược trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh địa chính trị ở khu vực châu Á ngày nay. Trong lúc Trung Quốc có ít lý do để giảm hiện diện quân sự của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thì Mỹ lại tiếp tục nỗ lực lôi kéo các nước cùng cách nhìn với mình vào cuộc kiềm chế các động thái của Trung Quốc.
Là một nhân tố quan trọng trong khu vực, Ấn Độ có những lợi ích rõ ràng nếu Trung Quốc rơi vào thế bất lợi. Nhưng Ấn Độ không mặn mà với ý tưởng của Mỹ về việc kiềm chế Trung Quốc – ý tưởng này vẫn giữ lại một số nét của Chiến tranh Lạnh, đối đầu với Liên Xô trước đây. Hơn nữa Ấn Độ tiếp cận vấn đề này một cách cẩn thận để tránh rơi vào thế chống Trung Quốc một cách thái quá trong khu vực. Họ cũng không thể hiện khát khao theo đuổi đường lối của Mỹ mà Ấn Độ cho là có hại cho thế “tự trị chiến lược” của mình. Như vậy, đối với Ấn Độ, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chủ yếu gồm tương tác hợp tác hoặc cưỡng chế.
Chiến lược của Nga và Ấn Độ
Khi Ấn Độ biểu lộ sự quan tâm nhiều đến việc củng cố nguồn cung năng lượng từ vùng Viễn Đông Nga thì đường nét rộng lớn hơn cho sự phát triển này chính là sự hội tụ chiến lược của Nga và Ấn Độ vào các vấn đề khu vực. Ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ấn Độ và Nga đã vạch ra một chiến lược độc đáo nhằm mở rộng các toan tính của riêng mình. Trong khi New Delhi tìm cách thoát khỏi thế cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung trong khu vực thì Moscow lại đưa ra một chiến lược đầy thu hút, dưới dạng Diễn đàn Kinh tế phương Đông nhằm xây dựng quan hệ chiến lược với các nước châu Á nhằm giới hạn sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc. Ở Afghanistan, Ấn Độ có thể dè dặt về sự trỗi dậy của Taliban khiến chính quyền dân bầu ở Kabul bị suy giảm, nhưng bù lại việc có Nga như một kênh tác động đến Taliban sau khi Mỹ rút quân có thể có lợi cho Ấn Độ.
Trên “mặt trận” Trung Quốc, Ấn Độ đang tìm cách đa dạng hóa các lựa chọn của mình ngoài sáng kiến do Mỹ khởi xướng và khuyến khích cách tiếp cận đa biên. Điều này cũng có lợi cho Nga – sẽ không an toàn cho Nga nếu “bỏ hết trứng vào rổ Trung Quốc”. Nga sẽ có lợi hơn nếu mở rộng quan hệ với các nước châu Á khác như Ấn Độ, Indonesia... hơn là chỉ dựa vào Trung Quốc trong các vấn đề liên quan đến Viễn Đông, Trung Á và châu Á nói chung.
Các kịch bản nói trên mở rộng phạm vi cho một trật tự “thứ 3” với lõi là Ấn Độ và Nga. Trật tự do Mỹ dẫn dắt bao gồm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Quad), Afghanistan (việc rút quân và thỏa thuận hòa bình với Taliban), và chiến lược với Trung Quốc (cuộc chiến thương mại) đã dẫn tới nhiều lộn xộn trong toàn khu vực châu Á. Còn trật tự do Trung Quốc dẫn dắt lại gặp một loạt vấn đề từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (với vấn đề Biển Đông) đến Afghanistan (với tác động chiến lược lên Pakistan) đến chiến lược đối với Mỹ (một lần nữa, cũng thông qua thương chiến).
Trật tự thứ 3, không giống như phiên bản của Mỹ và Trung Quốc, không lấy cảm hứng từ sự đối kháng với bất cứ quốc gia cụ thể nào, cũng không đạt được thông qua việc vi phạm luật quốc tế hay các thông lệ thương mại. Hơn nữa, trật tự thứ 3 này còn phản ánh thực tế địa chính trị trong khu vực, dựa trên một khuôn khổ đa cực, dựa trên luật lệ, có lợi cho các bên.
Tuy nhiên trật tự mới cần phải đứng vững bằng sự cần thiết chiến lược của hợp tác Nga-Ấn Độ. Nếu sức mạnh quan hệ đối tác này tiếp diễn trong thời gian tới thì quan hệ song phương giữa hai nước sẽ không chỉ được nâng lên một tầm cao mới mà còn đem lại một hướng mới mẻ cho cách giải quyết các vấn đề trong khu vực./.
Theo/Trung Hiếu/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận